Hà Nội xây dựng 7 nhóm sản phẩm kích cầu du lịch nội địa

Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Quý Trung-TTXVN
Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Quý Trung-TTXVN

Theo Sở Du lịch Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các điểm di tích trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại, hoạt động du lịch nội địa sẽ có nhiều khởi sắc. Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng 7 nhóm sản phẩm kích cầu du lịch nội địa để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, thu hút khách đến với Thủ đô.

Cụ thể, với nhóm sản phẩm du lịch di sản, ngành Du lịch thành phố sẽ phát triển và hoàn thiện các sản phẩm mới tại Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Làng cổ ở Đường Lâm..., cùng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại Chùa Hương, cụm di tích Đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Di tích Cổ Loa, Đền Sóc ...

Hà Nội xây dựng 7 nhóm sản phẩm kích cầu du lịch nội địa ảnh 1Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Quý Trung-TTXVN

Nhóm sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp) tiếp tục phát triển tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện thuận lợi như khu vực các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Nhóm sản phẩm ẩm thực đặc trưng là thế mạnh của Hà Nội được xây dựng, phát triển tại một số quận trọng điểm như: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm…

Hà Nội xây dựng 7 nhóm sản phẩm kích cầu du lịch nội địa ảnh 2Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt -TTXVN

Nhóm sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch, gắn với thiết kế, sản xuất sản phẩm cũng được phát triển, đồng thời với tổ chức điểm giới thiệu sản phẩm OCOP để tăng chi tiêu của du khách.

Cùng với đó, ngành Du lịch Hà Nội phát triển sản phẩm dành cho người Hà Nội trải nghiệm dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí cao cấp với giá hấp dẫn tại các khách sạn 4-5 sao; phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ của thành phố gắn với phát triển kinh tế về đêm, trong đó lấy quận Hoàn Kiếm là trung tâm để phát triển loại hình du lịch này; phát triển các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí mới như: bay khinh khí cầu ngắm Hà Nội trên cao, leo núi, đua xe đạp địa hình tại Vườn quốc gia Ba Vì…

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Số người nước ngoài đến Hà Nội trong thời gian này không nhiều và chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương của Việt Nam, có đến làm việc tại Hà Nội. Dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 1/2021, đã ảnh hưởng đến lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội từ đầu năm đến nay. Dự kiến, quý I/2021, khách du lịch nội địa đến Hà Nội đạt 1,93 triệu lượt khách, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa quý I ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao trong quý I ước đạt trên 21%, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để năm 2021 sẽ đón tổng lượng khách du lịch từ 13,16 - 19,04 triệu lượt khách. Trong đó, ngành Du lịch kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo sẵn sàng đón và phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất về thu hút khách du lịch nội địa cho năm 2021 với mức 15,34 triệu lượt khách, bằng 70% so với năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020. Các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn mở cửa trở lại hoạt động bình thường. Công suất sử dụng phòng trung bình khối cơ sở lưu trú du lịch năm 2021, đạt trên 45%.

Đinh Thuận 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm