Hà Nội nhân rộng diện tích lúa chất lượng cao

Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao VNR20 của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết triển khai tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao VNR20 của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết triển khai tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Thời gian tới đây, Hà Nội sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích đất canh tác tại những vùng khó khăn về tưới tiêu sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung phát triển sản xuất những giống lúa chất lượng cao…

Hà Nội nhân rộng diện tích lúa chất lượng cao ảnh 1Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao VNR20 của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết triển khai tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện còn 165.593 ha đất trồng lúa, tập trung tại 23 quận, huyện và thị xã. Việc sản xuất lúa những năm gần đây của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc ứng dụng cơ giới hóa và sử dụng giống chất lượng cao. Nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng vượt trội đã được bà con nông dân các địa phương tích cực đưa vào sản xuất như: J02, HDT11, Bắc Thơm số 7…

Tuy nhiên, so với các loại rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh khác thì giá trị từ việc trồng lúa không cao bằng. Bởi vậy, theo định hướng cơ cấu ngành trồng trọt, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích lúa từ 165.593 ha xuống còn 140.000 ha vào năm 2025 (tức giảm hơn 25.000 ha). Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích đất canh tác tại những vùng khó khăn về tưới tiêu như: Vùng đồi gò, khu vực giáp ranh đô thị… sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao (các ngành hàng rau củ, trái cây và hoa - cây cảnh).

Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Thủ đô vào khoảng 1,16 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, khối lượng gạo do thành phố sản xuất chỉ đạt 680.000 tấn/năm, mới đáp ứng được khoảng 59% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Vì vậy, lượng gạo còn thiếu để đáp ứng nhu cầu người dân Hà Nội hiện được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hay gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản…

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để bảo đảm nguồn cung lúa gạo, Hà Nội sẽ tăng cường liên kết vùng để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, trong đó có mặt hàng lúa gạo để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, sử dụng hiệu quả đất trồng lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển lúa gạo theo hướng gia tăng cơ cấu giống mới tiên tiến, chất lượng cao phục vụ người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.

Điển hình về mô hình trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội có huyện Ứng Hòa với thương hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy". Theo Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, toàn huyện hiện có 8.350 ha trồng lúa, trong đó các giống lúa chất lượng cao như: nếp cái hoa vàng, lúa thơm, lúa giống Nhật J02 hơn 5.660 ha (chiếm 67,9% tổng diện tích). Để nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa, gạo, huyện đã xây dựng nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy". Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã cung ứng dịch vụ cho người dân từ khâu làm đất, giống, gieo trồng, sử dụng máy gặt và thu mua lại lúa gạo nếu người dân muốn bán…

Theo bà Cao Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, ngoài việc cung ứng hỗ trợ các dịch vụ kỹ thuật nêu trên, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống sấy thóc theo dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất 300 tấn/ngày. Cùng với đó là hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại để đưa sản phẩm "Gạo chất lượng Khu Cháy" vào các siêu thị, cửa hàng gạo chất lượng cao.

Trong vụ mùa năm nay, hợp tác xã đã đầu tư 3 máy bay không người lái có số tiền 1,8 tỷ đồng để phục vụ sản xuất lúa. Theo đó, mỗi máy bay 1 ngày có thể gieo sạ hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật được hàng chục ha lúa. Nếu chi phí thuê nhân công cấy tốn 500.000 đồng/sào thì sử dụng máy bay chỉ hết 350.000 đồng/sào. Đồng thời, việc sử dụng máy bay không người lái còn giúp giảm thiểu độc hại đối với người dân, giúp tăng hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh.

Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội và huyện Ứng Hòa, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa. Theo định hướng, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác lúa chất lượng cao đạt ít nhất 85%. Bên cạnh đó, thành phố sẽ bố trí khoảng 10% diện tích chuyên canh lúa để phát triển lúa giống và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế, chế biến.

Thực hiện: Thiện Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm