Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề

Nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023.

Ha Noi lan dau tien to chuc Hoi thi san pham lang nghe hinh anh 1Nghệ nhân Đỗ Quang Hùng ở làng Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) thường xuyên trao đổi, hướng dẫn những người làm nghề cách làm và tạo ra sản phẩm lụa tốt nhất. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Hội thi được diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10/2023. Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Đặc biệt (12 triệu đồng), 5 giải Nhất (6 triệu đồng/giải), 10 giải Nhì (3 triệu đồng/giải), 15 giải Ba (2 triệu đồng/giải) và 25 giải Khuyến khích (1 triệu đồng/giải).

Ban Tổ chức dự kiến trao giải cho 56 sản phẩm thuộc 5 nhóm ngành: Mây, tre, lá tự nhiên; Sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; Gốm sứ và thủy tinh; Dệt, may, thêu, đan móc; nhóm khác (sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí, da, tranh…).

Tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội có khả năng chế tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều có thể được quyền tham gia.

Yêu cầu sản phẩm dự thi phải là sản phẩm mới do chính tác giả hoặc nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu, không phải là sản phẩm sao chép. Mỗi tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm làng nghề có thể gửi 01 hoặc nhiều sản phẩm, bộ sản phẩm dự thi. Sản phẩm phải chưa đạt giải tại các hội thi khác (do cấp Thành phố hoặc tương đương trở lên tổ chức) ở trong và ngoài nước. Các tác giả, nhóm tác giả tự chịu trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm dự thi.

Ban Tổ chức Hội thi không chịu trách nhiệm về những tranh chấp xảy ra có liên quan đến bản quyền của sản phẩm dự thi. Những sản phẩm vi phạm bản quyền, sản phẩm không phải do tác giả, nhóm tác giả tạo mẫu hoặc đã đạt giải thưởng cấp Thành phố hoặc tương đương sẽ không được xem xét trao giải hoặc bị thu hồi giải thưởng (trường hợp giải thưởng đã được công bố).

Ha Noi lan dau tien to chuc Hoi thi san pham lang nghe hinh anh 2Công đoạn tạo hoa văn cho sản phẩm gốm tại làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Đối với trường hợp sản phẩm dự thi là của nhóm tác giả, hồ sơ dự thi phải kèm theo văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một tác giả là người đại diện tham gia dự thi; người đại diện sẽ thay mặt tập thể liên hệ với Ban Tổ chức Hội thi cũng như chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan đến sản phẩm dự thi.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Các cá nhân, tổ chức tham gia Hội thi sẽ được những chuyên gia đầu ngành tư vấn góp ý, định hướng về mẫu mã sản phẩm để hoàn thiện tốt sản phẩm dự thi. Sản phẩm đạt giải sẽ được trưng bày tại lễ trao giải, được quảng bá trên các kênh truyền thông chính thức của Hội thi. Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023 là sân chơi để các tác giả giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xuất khẩu.

Ha Noi lan dau tien to chuc Hoi thi san pham lang nghe hinh anh 3Phòng trưng bày sản phẩm sơn mài với nhiều mẫu mã đa dạng tại làng nghề Hạ Thái ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thông tin chi tiết về Hội thi liên hệ: Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, số 73, đường Lê Hồng Phong, quận Hà Đông (Hà Nội). Điện thoại: 0983.958686 hoặc 0982.576629.

Long Nguyễn

Tin liên quan

Làng nghề Hà Nội nỗ lực vượt khó

Làng nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Hà Nội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như những vấn đề nội tại, các làng nghề Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như ô nhiễm môi trường, mặt bằng sản xuất chật hẹp, thiết bị công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất theo tính chất hộ gia đình là chủ yếu...


Hà Nội bảo tồn nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ

Đầu năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận nghề thủ công truyền thống quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là làng nghề duy nhất của cả nước làm nghề quỳ vàng bạc, vì vậy cùng với niềm tự hào, huyện Gia Lâm cũng như thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm trong công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.


Du lịch làng nghề Hà Nội - tiềm năng còn “ngủ yên”

Lâu nay, Hà Nội vẫn tự hào khi sở hữu tới 1.350 làng nghề, mở ra cơ hội lớn cho du lịch làng nghề, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô. Tuy vậy, tiềm năng du lịch làng nghề hầu như vẫn còn “ngủ yên” dù cả cơ quan quản lý du lịch, các địa phương rốt ráo tìm mọi cách thúc đẩy.



Đề xuất