Hà Nội - Khát vọng và tình yêu hòa bình (Bài 4)

Hà Nội - Khát vọng và tình yêu hòa bình (Bài 4)
Bài 4:Hướng đến một Thủ đô văn minh, hiện đại
 
20 năm không phải là thời gian dài so với lịch sử hơn 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội, song đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến nhiều đổi thay của Hà Nội cả về quy mô, sự tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…
 
Lễ kỷ niệm 20 năm Thành phố Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình. Ảnh: TTXVN
Lễ kỷ niệm 20 năm Thành phố Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình. Ảnh: TTXVN

Hòa bình, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình

Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, vốn được biết đến là mảnh đất lịch sử với di tích Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền. Đến Cổ Loa hôm nay, vùng đất này đang đổi thay từng ngày, nhưng vẫn giữ được nét hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Những con đường liên thôn xóm được trải nhựa phẳng lì, những rặng cây xanh mướt mát, những ngôi nhà cao tầng xen lẫn giữa vườn cây. Đời sống của người dân ngày càng phát triển, hạ tầng xã hội được đầu tư khang trang, đời sống tinh thần ngày càng được cải thiện. Cổ Loa cũng được biết đến là địa phương đi đầu huyện Đông Anh về phong trào “Đẹp” tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư khi ngày càng nhiều con đường nở hoa, những điểm trồng hoa xuất hiện khắp nơi làm đẹp thôn xóm.

Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, Đông Anh đang trong quá trình xây dựng lên quận giai đoạn 2020 – 2025. Các đề án đang triển khai hiệu quả, được toàn dân ủng hộ, bước đầu thay đổi diện mạo đô thị, thay đổi bộ mặt nông thôn. Xã Cổ Loa cũng như các xã, thị trấn trong huyện có những bước chuyển rõ rệt. Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục đào tạo, văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Huyện đang xây dựng kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ đến từng hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2020 không còn hộ nghèo. Đông Anh cũng triển khai hàng trăm lớp đào tạo nghề cho nông dân, ưu tiên các xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án.

20 năm qua, từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố vì hòa bình, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân Hà Nội tiếp tục được ưu tiên, đạt kết quả tích cực. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ được coi trọng đặc biệt và luôn giữ vị trí lá cờ đầu.

Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 của Hà Nội còn 1,16%, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2010. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% dân số, vượt 1,2% kế hoạch. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là gần 85%, về đích sớm 2 năm. Cùng với 4 huyện đã đạt chuẩn, Hà Nội có thêm nhiều huyện đang hoàn thành các tiêu chí, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, tạo ra diện mạo mới ở nông thôn.
Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển, đáp ứng tiêu chí của UNESCO về thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Trong ảnh: Công tác an toàn thực phẩm trong trường học ngày càng đạt kết quả cao cả về chất và lượng. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển, đáp ứng tiêu chí của UNESCO về thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Trong ảnh: Công tác an toàn thực phẩm trong trường học ngày càng đạt kết quả cao cả về chất và lượng. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Nổi bật nhất trong các tiêu chí Thành phố vì hòa bình được UNESCO ghi nhận là những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó như một trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục đạt kết quả xuất sắc và dẫn đầu cả nước. Học sinh Thủ đô cũng tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Như nhiều chuyên gia nhận định, chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp giáo dục hiện nay chính là điều kiện quan trọng giúp thế hệ trẻ chuẩn bị tốt hành trang tri thức, văn hóa để kiến tạo tương lai của Thủ đô và đất nước.

Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông Nguyễn Quý Hải, trú tại phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, phải thốt lên rằng; "Chỉ cần vài năm, bộ mặt thành phố đã có nhiều thay đổi, chứ chưa kể đến 20 năm. Hơn 20 năm trước, khu vực nhà ông ở còn là cánh đồng với những mảnh ruộng trũng, có nơi ao hồ lẫn trong khu dân cư, đêm đến tiếng ếch nhái kêu rền rĩ. Nhưng đến nay, cánh đồng, ao hồ đó đã biến thành những con đường hiện đại, sạch đẹp, các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, những trường học, công viên, khu thể thao xuất hiện khắp nơi. Con đường đất khi xưa nối liền quận Cầu Giấy sang quận Thanh Xuân chạy sát làng ông, xuyên qua cánh đồng, bụi bay mù mịt, khan hiếm bóng cây, giờ đã là đường Phạm Hùng khang trang, hiện đại.

Hà Nội đang phát triển không ngừng để hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh. Những con đường xuyên tâm, những cây cầu, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Người dân Thủ đô không chỉ tự hào về những con đường hiện đại, đẹp như: Tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, đại lộ Thăng Long, đường trên cao vành đai 3... mà còn tự hào về các cây cầu có kiến trúc đẹp như: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy... Hệ thống cây xanh, chiếu sáng dọc theo các tuyến đường, các cây cầu cũng được đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, diện tích đất xây dựng đô thị dự kiến đến hết năm 2019 đạt 9,75%, năm 2020 đạt 10,05%.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có chuyển biến tích cực; nhiều dự án, công trình giao thông, chỉnh trang đô thị được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Nút giao thông cửa ngõ phía Nam - một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, giúp cải thiện đáng kể mạng lưới giao thông. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có chuyển biến tích cực; nhiều dự án, công trình giao thông, chỉnh trang đô thị được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Nút giao thông cửa ngõ phía Nam - một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, giúp cải thiện đáng kể mạng lưới giao thông. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Việc xây dựng, phát triển không gian đô thị đang tạo ra điểm nhấn cho Thủ đô. Từ một khu đô thị Linh Đàm ban đầu, đến nay thành phố đã phát triển trên 700 tòa nhà chung cư. Đi đường trên cao vành đai 3 từ quận Cầu Giấy tới nút giao Pháp Vân thuộc quận Hoàng Mai, sẽ không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển các tòa nhà cao tầng, các chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị hoặc văn phòng cho thuê. Các tòa nhà cao hàng chục tầng, mọc san sát nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Bên cạnh những khu đô thị mới xây dựng trước đó như: Linh Đàm, Mỹ Đình, Văn Quán, Trung Hòa – Nhân Chính... còn nhiều khu đô thị xây dựng hiện đại như: Times City, Vinhome Riverside, Garmuda...

Đó là những góc sáng trong nỗ lực xây dựng Thành phố vì hòa bình đủ để khẳng định Hà Nội có những bước tiến dài, đạt nhiều thành tựu quan trọng sau 20 năm. Điều quan trọng, thành phố sẽ có những hướng đi ra sao để giữ gìn, phát huy danh hiệu quý này? (còn tiếp)
Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm