Hà Nội hoàn thành tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội hoàn thành tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới
Để đảm bảo nguồn cấp điện cho các xã nông thôn mới, các khu vực quy hoạch sản xuất chuyên canh tập trung, các cụm điểm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, khảo sát nhu cầu gửi Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội lập kế hoạch và bố trí vốn đầu tư xây dựng.

Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội đã có văn bản số 5036/EVN HANOI-B02 ngày 17/11/2017 về xây dựng kế hoạch và bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện vùng nông thôn, với quy mô 1.168 trạm biến áp, tổng công suất 507.369 kVA.

Đến nay, Tổng Công ty đã triển khai đưa vào vận hành được 619 trạm biến áp, tổng công suất 645.078 kVA với kinh phí 1.050,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã triển khai dự án Đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp RE2 với tổng mức đầu tư 208 tỷ đồng, đã hoàn thành nghiệm thu 214/221 TBA, đạt 96%.

Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND quận, huyện, xã, phường tổ chức 49 lượt kiểm tra cấp mới giấy phép hoặc duy trì điều kiện hoạt động điện lực; thanh kiểm tra theo kế hoạch 7 đơn vị. Kết quả kiểm tra cho thấy, các hợp tác xã, tổ chức kinh doanh điện cơ bản đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Giá bán điện được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công thương, thủ tục lắp đặt công tơ cho nhân dân thuận lợi dễ dàng, quá trình quản lý vận hành an toàn và được nhân dân ủng hộ, hoạt động kinh doanh bán lẻ điện có hiệu quả rõ rệt, có nơi tổn thất điện dưới 5%;…

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội còn hướng dẫn, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động lập kế hoạch và triển khai thực hiện rà soát, đánh giá năng lực các tổ chức kinh doanh điện trên địa bàn. Để nâng cao năng lực quản lý chất lượng dịch vụ, duy trì các điều kiện hoạt động điện lực, Sở đã có văn bản số 1092/SCT-QLNL ngày 14/3/2019 đề nghị các tổ chức kinh doanh điện lập kế hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện đáp ứng tiêu chí Quy hoạch phát triển điện lực. Đến nay, hầu hết các tổ chức kinh doanh điện đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai thực hiện.

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nguồn vốn đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu từ kinh phí của ngành điện, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa được nhiều do quy định về giá bán điện, chưa tạo ra được sự khuyến khích đáng kể. Cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chưa thật sự ổn định; chính sách dành cho Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội vay vốn ưu đãi để đầu tư hạ tầng điện tại khu vực nông thôn còn khắt khe. Vì vậy, công tác huy động vốn từ các thành phần kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc cải tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng hạ tầng kỹ thuật lưới điện nông thôn.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình tiến độ các công trình trọng điểm để chủ động giải quyết những tồn tại có thể xử lý ngay. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các dự án cải tạo lưới điện khu vực Tây Hà Nội, Nam Hà Nội giai đoạn 2, đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ dự án RE2, bổ sung nguồn kinh phí đầu tư cải tạo đáp ứng Tiêu chí số 4 về điện nông thôn mới cho các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất tại các vùng chuyên canh, vật nuôi; xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh.
Nam Giang

Có thể bạn quan tâm