Hà Nội đẩy nhanh các dự án văn hóa, xã hội, phát triển nhân lực

Hà Nội đẩy nhanh các dự án văn hóa, xã hội, phát triển nhân lực
Ảnh minh họa - TTXVN
Ảnh minh họa - TTXVN

Sau một năm thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã xây dựng danh mục công trình trọng điểm, các dự án đầu tư công, tham mưu đề xuất hình thức đầu tư 24 dự án thuộc chương trình. HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt 8 dự án công trình trọng điểm, các dự án đầu tư công; trong đó, 5 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công, 3 dự án dự kiến bao gồm: 1 dự án Cung thiếu nhi Hà Nội được đầu tư theo hình thức PPP, 1 dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ đầu tư theo hình thức liên danh liên kết, 1 dự án Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội đang xem xét để lựa chọn hình thức đầu tư.

Trong tổng mức vốn 134.888 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách thành phố giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến bố trí 28.901 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng chi ngân sách thành phố cho đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủ đô. Tính riêng nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, thành phố bố trí 7.587 tỷ đồng thực hiện 77 dự án lĩnh vực văn hóa- xã hội, chiếm 11,8% tổng số ngân sách xây dựng cơ bản tập trung toàn thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội danh mục dự án kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 trình HĐND thành phố thông qua; trong đó có 14/24 dự án thuộc Chương trình 04/CTr-TU. Như vậy, đến tháng 7/2014, có 15/24 dự án thuộc chương trình đã có kế hoạch và chủ trương đầu tư, còn 9 dự án chưa có nguồn để cân đối bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đó là các dự án: Trung tâm công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội tại thị xã Mai Lâm, huyện Đông Anh; đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống các phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực đo lường và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Hà Nội; 2 dự án đầu tư nghề trọng điểm 2 trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội và trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc…

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, với 9 dự án chưa có nguồn để cân đối bố trí vốn, do ngân sách có hạn nên muốn chuyển sang hình thức đầu tư PPP. Hiện các dự án này đang được thành phố quan tâm và từ nay đến cuối năm sẽ có định hướng xác định hình thức đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính Hà Nội sẽ xem xét phân bổ nguồn vốn cho 9 dự án này.
Đinh Thị Thuận

Có thể bạn quan tâm