Hà Nội: Đặt tên mới cho 38 đường, phố và điều chỉnh độ dài 9 phố

Cầu Vĩnh Tuy bắc qua Sông Hồng nối quận Long Biên và Hà Bà Trưng, được khánh thành năm 2010. Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua Sông Hồng nối quận Long Biên và Hà Bà Trưng, được khánh thành năm 2010. Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN

Ngày 10/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố năm 2021.

Cụ thể, Nghị quyết quyết nghị việc đặt tên mới cho 38 đường, phố, trong đó có 20 đường, phố mang tên địa danh và tên khác; 18 đường, phố mang tên danh nhân thuộc các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm… và 9 phố được điều chỉnh độ dài thuộc 9 quận, huyện Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm…

Hà Nội: Đặt tên mới cho 38 đường, phố và điều chỉnh độ dài 9 phố  ảnh 1Cầu Vĩnh Tuy bắc qua Sông Hồng nối quận Long Biên và Hà Bà Trưng, được khánh thành năm 2010. Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN

Sau khi thông qua Nghị quyết, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền quận, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp đường, vỉa hè và hạ tầng kỹ thuật đối với các đường, phố dự kiến đặt tên để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Đồng thời, các sở, ngành liên quan và chính quyền quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân biết và hiểu được ý nghĩa của các đường, phố được đặt, đổi tên; chỉ đạo công tác gắn biển tên, đánh số nhà đối với các đường, phố mới được đặt, đổi tên theo đúng quy định. Công an thành phố, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tập trung thực hiện điều chỉnh quản lý dân cư và các giấy tờ liên quan.

Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục tên các danh nhân, địa danh vào ngân hàng tên để đặt tên đường, phố trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn; đồng thời, lưu ý phương án đặt tên các tuyến đường, phố theo xu hướng hiện đại (theo ký tự, số), nhất là tại các khu vực đô thị mới phát triển.

Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm việc tự ý gắn biển tên đường, phố trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp rà soát việc gắn biển chỉ dẫn các tuyến đường, phố tại khu vực giáp ranh đối với các tuyến đường, phố mới. Đặc biệt, các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa cao, có các tuyến đường được xây dựng hoặc đã hoàn thành cần căn cứ vào các quy hoạch đô thị để có kế hoạch thực hiện đồng bộ với đặt tên đường, phố mới hoặc điều chỉnh độ dài.

Cùng ngày, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2022. Theo đó, tổng biên chế hành chính là 11.639 biên chế (biên chế công chức là 10.560 biên chế, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.079 chỉ tiêu); biên chế sự nghiệp là 132.935 biên chế (biên chế viên chức là 114.059 biên chế; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 10.464 chỉ tiêu; lao động hợp đồng theo định mức là 8.412 chỉ tiêu).

Nguyễn Văn Cảnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm