Hà Nội công bố quy hoạch phân khu nội đô lịch sử

Hà Nội công bố quy hoạch phân khu nội đô lịch sử

Ngày 22/3, thành phố Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu đô thị H1-1 (A,B,C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000, thuộc khu vực nội đô lịch sử gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là quy hoạch được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm từ nhiều năm nay. Tới dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng lãnh đạo UBND thành phố, các quận có liên quan.

Hà Nội công bố quy hoạch phân khu nội đô lịch sử ảnh 1 Phối cảnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 4 quận nội đô lịch sử Hà Nội. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chức năng chủ yếu của quy hoạch phân khu 4 quận nội đô là giá trị về lịch sử văn hóa; trong đó, chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng dân cư.

Riêng khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, được xác định là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Tại đây có chức năng chủ yếu là trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Đối với khu phố cũ có chức năng, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính...

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, về không gian kiến trúc - cảnh quan, thiết kế đô thị, quan điểm khi quy hoạch là bảo tồn và phát triển; trong đó, có số khu vực đặc thù, đồ án quy định kiến trúc cảnh quan, thiết kế riêng như khu vực phố cổ, hồ Gươm và vùng phụ cận. Với khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4 đến 6 tầng (16-22 m). Các khu vực hạn chế phát triển còn lại được xây nhà cao từ 5 đến 7 tầng (20-25 m). Đáng chú ý, theo phân khu quy hoạch tại 4 quận, xác định cần giảm khoảng 215.000 dân trong giai đoạn 2020-2030, chỉ còn 672.000 người.

Hà Nội công bố quy hoạch phân khu nội đô lịch sử ảnh 2Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu xem đồ án quy hoạch. Ảnh: TTXVN

Về hạ tầng kỹ thuật, định hướng của quy hoạch phân khu là đường bộ kết hợp đường sắt đô thị, không gian ngầm và bãi đỗ xe. Theo đó, sẽ hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối với các công trình công cộng ngầm, ga ngầm với đầu mối giao thông công cộng...

Còn theo ông Nguyễn Đức Hùng, Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội, với định hướng lớn sau khi quy hoạch sẽ phải di dời các công trình sản xuất, doanh nghiệp, trụ sở một số bộ, ngành ra khỏi nội thành để dành đất cho công trình công cộng, trường học, cây xanh, hạ tầng xã hội. Về lâu dài, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị.

Nói về quá trình nghiên cứu, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết đã công khai quy hoạch, tiếp thu các ý kiến của người dân và các chuyên gia đầu ngành, rồi chỉnh sửa, bổ sung trước khi công bố.

Hà Nội công bố quy hoạch phân khu nội đô lịch sử ảnh 3 Các đơn vị ký kết bàn giao hồ sơ quy hoạch. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các quận nội đô cũng như thành phố. Thành phố tiếp tục giao cho các sở ngành liên quan tiếp tục bổ sung điều chỉnh khớp nối với các đồ án chuyên ngành trước đó để phù hợp quy định. Mặt khác, yêu cầu các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa giám sát việc xây dựng đúng quy hoạch, xử lý các trường hợp xây sai quy hoạch theo thẩm quyền.

Ông Dương ĐứcTuấn nhìn nhận, sau khi có quy hoạch phân khu nội đô và quy hoạch phân khu sông Hồng sông Đuống được phê duyệt trong thời gian tới, sẽ là điều kiện để thành phố cải thiện vệ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nâng mức sống của người dân Thủ đô cao hơn nữa, theo hướng xanh, văn minh hiện đại.

Mạnh Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm