Hà Giang phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với thế mạnh địa phương

Hà Giang phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với thế mạnh địa phương
Mỗi làng quê một sản phẩm

Ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho biết, với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, nên Hà Giang có điều kiện phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng. Một số đặc sản được người tiêu dùng yêu chuộng như: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, thịt lợn đen; bò vàng vùng cao, gạo Già dui, thảo quả, các loại dược liệu, gạo nếp thơm, dệt vải lanh…

Là sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết đến, cam sành Hà Giang có đặc thù riêng về hình thái và về chất lượng khác biệt so với các giống cam khác, quả to tròn, vỏ sần, khi chín vỏ màu vàng cam, có vị ngọt, thanh mọng nước. Kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý với sản phẩm cam sành Hà Giang từ 2016.

Tính đến nay, diện tích cam sành của Hà Giang 8.717 ha, trong đó diện tích cam đã được cấp chứng nhận VietGAP là 2.776 ha. Tổng sản lượng cam cho thu hoạch khoảng 62.696 tấn, trong đó sản lượng cam VietGAP ước khoảng trên 35.000 tấn. Sản phẩm cam sành Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý và được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

Với các điều kiện thuận lợi, Hà Giang là tỉnh có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước (chỉ sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên). Sản phẩm chè Hà Giang cũng có nhiều lợi thế cạnh đã được đánh giá và khẳng định chất lượng sản phẩm có lợi thế so sánh với những vùng chè truyền thống trong nước. Với hơn 70% diện tích là giống chè Shan tuyết được trồng trên những ngọn núi cao, quanh năm mây mù bao phủ, rất phù hợp để phát triển sản xuất, chế biến chè chất lượng cao.

Hiện Hà Giang có gần 21.000 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 18.000 ha, với sản lượng gần 72.000 tấn/năm, diện tích chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP là gần 10.000 ha, chiếm 50,5% diện tích chè cho thu hoạch sản phẩm, trong đó chè VietGAP là gần 5.000 ha, chè hữu cơ gần 4.600 ha.

Cùng đó, Hà Giang đã triển khai thành công việc phát triển cây dược liệu tại các huyện nghèo của tỉnh để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Với nguồn dược liệu tự nhiên, phong phú, đa dạng, tính đến hết năm 2018 Hà Giang đã trồng được hơn 1.800 ha. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh trồng cây dược liệu lớn nhất các tỉnh vùng Đông Bắc và có đủ khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến dược liệu.

Đến 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang hôm nay, không chỉ thấy màu xanh mát mắt của những vạt cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc, mà trên các triển núi, hoa bạc hà nở rộ màu tím biếc, đây cũng là lúc vào mùa mật ong bạc hà. Hà Giang hiện có trên 40.000 đàn ong, chủ yếu là giống ong nội. Sản lượng mật ong thu hoạch ước đạt 200 tấn/năm, với giá bán dao động từ 400 - 500.000 đồng/lít.

Không chỉ là cam sành, chè, mật ong, dược liệu mà những năm qua nhiều sản phẩm lưu niệm, hàng hóa đặc trưng và làng nghề đã tạo được uy tín và niềm tin đối với người tiêu dùng, như: sản phẩm dệt lanh Lùng Tám huyện Quản Bạ, chè Độ Khoa ở huyện Bắc Quang, rượu thóc Nàng Đôn của huyện Hoàng Su Phì (đã đoạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp Quốc gia). Hiện còn rất nhiều sản phẩm khác của các làng nghề cũng đang trên đà phát triển đã tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người lao động; duy trì và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc.

Kết nối để vươn xa

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, tỉnh Hà Giang chú trọng nâng tầm giá trị cho các sản phẩm tiêu biểu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp người nông dân yên tâm phát triển sản xuất, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc đẩy mạnh tuyên truyền không chỉ giúp người tiêu dùng tại các thị trường lớn, khó tính nhận diện và hiểu được giá trị các sản phẩm tiêu biểu mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, du lịch, con người Hà Giang.

Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu, các địa phương và ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực. Tiêu biểu như tại hội nghị kết nối và tiêu thụ sản phẩm cam sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 - 2019 được tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2018, những quả cam sành thơm ngon, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được các hợp tác xã dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR cod, để tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Từ đây, sản phẩm cam sành của Hà Giang đã được bảo hộ và thực sự có chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương thuộc Sở Công Thương Hà Giang cho biết, trước năm 2016, Hà Giang mới chỉ có 1 Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà, đến nay Hà Giang đã đăng ký bảo hộ thành công 4 Chỉ dẫn địa lý cho 4 sản phẩm đặc sản của tỉnh gồm: Hồng không hạt Quản Bạ; Gạo tẻ Già Dui Xín Mần; Cam sành Hà Giang và chè Shan tuyết Hà Giang. Nâng tổng số sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của tỉnh lên 5 sản phẩm (Chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà được bảo hộ từ năm 2013). Hiện nay Hà Giang là tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất với 5/69 chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, để phát triển các sản phẩm chủ lực của Hà Giang, năm 2019 UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn qua nhiều kênh để các sản phẩm của Hà Giang đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang và áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ blockchain để phục vụ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Tỉnh vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ. Tĩnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho người nông dân; hỗ trợ lãi suất vay vốn.

Cùng với đó, tỉnh thu hút đầu tư doanh nghiệp tham gia trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ lực; triển khai một loạt các chính sách ưu đãi về xúc tiến thương mại để không ngừng củng cố và quảng bá các sản phẩm chủ lực của Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm sạch từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất ra sản phẩm nông sản kém chất lượng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Minh Tâm

Có thể bạn quan tâm