Hà Giang: Đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Hà Giang: Đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Hà Giang là tỉnh vùng núi phía Bắc, biên giới Tổ quốc, những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, có sự chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp... Xác định con người là yếu tố trung tâm, tỉnh Hà Giang chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan hữu quan tập trung đầu tư cho công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề, kĩ năng, qua đó giúp người dân có nghề nghiệp với thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.

*Xác định con người là yếu tố trung tâm

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Phạm Hữu Trí, hàng năm, số lao động trên địa bàn tỉnh là khoảng 20.000 người. Số lao động này nếu làm việc tại địa phương sẽ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, buôn bán… trong đó, khoảng 77% làm việc ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chủ yếu là lao động thời vụ, không đều.

Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn cả nước, lượng lớn lao động người Hà Giang trở về địa phương. Hiện nay, nhiều lao động đã quay trở lại các tỉnh, thành phố làm việc, một số người ở lại quê hương. Do đó, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động là việc làm cấp thiết của các cấp, ngành trong tỉnh.

Hà Giang: Đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ảnh 1Học sinh Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Hà Giang học tại lớp ngành Thú y. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Cũng theo ông Phạm Hữu Trí, trong công tác đào tạo nghề, tỉnh yêu cầu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và lấy con người làm yếu tố trung tâm. Hiện nay, Hà Giang có 1 Trường cao đẳng, 2 Trường trung cấp và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên triển khai đào tạo nghề cho người lao động trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương có thể đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng, đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo nguyện vọng của người lao động.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Hà Giang Nguyễn Minh Tuấn cho biết, trong năm qua, nhà trường có 8 ngành đào tạo cao đẳng, 20 ngành trung cấp, tất cả lĩnh vực đào tạo đều có kết nối với doanh nghiệp, học sinh được định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã thống nhất với nhà trường trong quá trình đào tạo cùng phối hợp đưa học sinh tới thực hành, thực tập, qua đó, giúp các em nắm bắt được thị trường lao động, đăng ký nhu cầu việc làm sau đào tạo.

Với các ngành nghề như may, chăn nuôi thú y, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô… khi học xong doanh nghiệp đã chủ động tuyển dụng, giúp tư vấn định hướng. Sau khi tốt nghiệp, các em có việc làm đúng ngành nghề chiếm khoảng trên 70%, đặc biệt, có những ngành nghề như công nghệ ô tô, nghề may, hầu như học xong học sinh đều đi làm đúng chuyên ngành, ông Nguyễn Minh Tuấn đánh giá.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp dân tộc nội trú giáo dục thường xuyên Bắc Quang Mai Thu Hà cho biết, hiện nay, nhà trường đang đào tạo song song hai hệ, hệ trung cấp nghề với 8 mã nghề (727 học sinh) và hệ văn hóa cấp trung học phổ thông (549 em, trên 12 lớp). Do đặc thù tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống nên phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số. Ngoài hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, các em được nhận thù lao đối với sản phẩm mình làm ra trong thời gian đi thực tập tại doanh nghiệp.

Nhận thấy ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, việc đưa các em đi thực hành, thực tế tại doanh nghiệp sẽ giúp học sinh sớm tiếp cận môi trường làm việc trong tương lai, những năm gần đây, nhà trường đã liên kết với 8 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, nhà trường đưa các em đi thực tập theo từng khóa học, mỗi khóa từ 150-160 học sinh, thực tế tại doanh nghiệp trong khoảng 3 tháng. Qua khảo sát hàng năm, khoảng 80% học sinh sau khi tốt nghiệp đi làm việc tại doanh nghiệp ngoài tỉnh, số còn lại làm việc ở các cơ sở trong tỉnh, cô Mai Thu Hà cho biết thêm.

*Đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Đa phần học sinh theo học tại các trường, trung tâm đào tạo nghề tại Hà Giang là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc đưa học sinh, sinh viên vào làm việc, thực tập tại doanh nghiệp là hướng đi đúng của các trường, trung tâm. Điều này vừa giúp các em nâng cao tay nghề, làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, “học đi đôi với hành” vừa giúp học sinh, sinh viên có một khoản thu nhập, trang trải cuộc sống.

Em Hoàng Đức Mùi, dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở huyện Quang Bình đang theo học ngành Điện công nghiệp tại Trường Trung cấp dân tộc nội trú giáo dục thường xuyên Bắc Quang chia sẻ, trong quá trình học tập tại trường, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, em còn được tham gia làm việc ở doanh nghiệp trong thời gian thực tập, được hưởng thù lao theo sản phẩm, điều đó giúp em có thêm thu nhập giúp đỡ cha mẹ.

Học chung lớp với Hoàng Đức Mùi, em Nguyễn Đức Huy cũng cho rằng, việc vừa học trên lớp vừa thực tập tại doanh nghiệp giúp em nâng cao tay nghề, kĩ năng, đồng thời là cơ hội tốt để em quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc được hưởng thù lao theo sản phẩm hoàn thành là nguồn thu nhập giúp em trang trải cuộc sống.

Hà Giang: Đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ảnh 2Học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (Hà Giang) trong giờ thực hành tại lớp ngành Điện công nghiệp. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Hà Giang Nguyễn Minh Tuấn, với học sinh của trường, mức thu nhập thấp nhất các em nhận được trong thời gian đi thực tập tại doanh nghiệp là khoảng 2,5 triệu đồng, cao nhất trên 10 triệu đồng, tùy thuộc từng ngành nghề và trình độ tay nghề.

Đối với thị trường trong nước, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Hà Giang đã ký kết với trên 40 doanh nghiệp. Trong nội dung ký kết và các biên bản ghi nhớ hợp tác đều có điều khoản về cung ứng lao động sau đào tạo. Trường là nơi cung ứng, doanh nghiệp là nơi tiếp nhận đào tạo, công tác này đang được thực hiện thường xuyên.

Ngoài ra, đối với thị trường ngoài nước, trường đã tiếp cận 3 doanh nghiệp để đưa học sinh theo diện lao động xuất khẩu, du học, kỹ sư sang các nước. Việc đào tạo nghề một cách đúng hướng, sát thực tế và triển khai theo định hướng bền vững, lâu dài giúp người học an tâm, được học nghề một cách bài bản. Qua đó giúp người học có nghề nghiệp, nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Phạm Hữu Trí, tạo việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững. Nếu làm việc ở địa phương trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp thu nhập không cao, đặc biệt chỉ lao động thời vụ, không ổn định. Việc đào tạo lao động có tay nghề đi ra ngoài tỉnh làm việc sẽ giúp họ có nhận thức, ý thức, kỷ luật, tổ chức lao động, thu nhập cao hơn trước đây. Từ đó người lao động sẽ có thêm ý chí, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đào tạo nghề và công tác giảm nghèo có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau. Việc đào tạo nghề đúng hướng, thực chất, phù hợp với nhu cầu của xã hội theo từng giai đoạn sẽ là “chìa khóa” để mở cánh cửa phát triển kinh tế - xã hội, qua đó giúp người lao động có nghề nghiệp ổn định, đem lại thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xã hội.

Nam Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm