Gương Bác thấm vào lòng dân Vị Thủy

Gương Bác thấm vào lòng dân Vị Thủy

Bằng những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, Đảng bộ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đã từng bước đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội.

Gương Bác thấm vào lòng dân Vị Thủy ảnh 1Phòng thờ Bác Hồ trang trọng tại Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Ảnh: baohaugiang.com.vn

Thành kính tưởng nhớ Bác

Tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đến nay đã có gần 100% hộ dân trưng, thờ ảnh Bác Hồ trong nhà, ở nơi trang nghiêm, trân trọng. Trong thâm tâm họ, việc thờ Bác như thờ chính ông bà tổ tiên mình và cũng là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Người.

Không riêng gì tại thị trấn Nàng Mau, việc thờ ảnh Bác đã lan tỏa ở các địa phương trong huyện Vị Thủy, kể cả đồng bào Khmer và người theo đạo, trong đó trên 90% đồng bào Khmer trong huyện đã được tổ chức rước ảnh bác về nhà. Tại 2 xã Vĩnh Trung và Vị Thủy (huyện Vị Thủy) hầu hết 100% bà con Khmer dù nghèo hay giàu đều trưng, thờ ảnh Bác Hồ tại nhà, ở nơi trang trọng nhất, có hộ còn thắp nhang hàng ngày. Nhiều gia đình đến ngày giỗ Bác đã tổ chức mâm cơm cúng như chính người ruột thịt trong gia đình.

Ông Thạch Kim Hiên, người dân Khmer ở ấp 5, xã Vĩnh Trung nói: “Nhắc đến Bác ai mà không thương, không quý. Không chỉ tiên phong thờ ảnh mà tui còn vận động bà con trưng, thờ Bác với lòng thành kính”.

Không chỉ ông Kim Hiên nhắc về chuyện trưng, thờ ảnh Bác Hồ, nhiều người dân ở ấp 5 xã Vĩnh Trung vẫn còn ấn tượng sâu sắc về lễ rước ảnh Bác được tổ chức vào dịp 19/5, bởi đó là thời điểm ấp được chọn thí điểm trong phong trào rước ảnh Bác trong đồng bào Khmer về treo nơi trang trọng trong nhà do tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Ông Lâm Trường Sơn (ở ấp 5 xã Vĩnh Trung) nói “Hôm đó, ai cũng phấn khởi đến chùa để chờ rước ảnh Bác Hồ. Tui đã thờ Bác Hồ từ 4 năm trước khi có phong trào rước ảnh Bác nữa kìa. Nghe lời Bác, mình cũng cố gắng làm ăn, cần kiệm, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp, dạy bảo con cháu tập trung làm kinh tế, xây dựng đời sống văn minh”.

Ông Danh Quợl, người dân xã Vị Thủy, xúc động nói: Không có Đảng, không có Bác Hồ thì không thể có được ngày hôm nay. Rước Bác về để cảm thấy lòng ấm áp hơn. Tôi còn tham gia vận động bà con cùng xây dựng nông thôn mới để quê hương phát triển hơn theo Di chúc của Bác.

Làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể

Tấm lòng của cán bộ, người dân huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, với Bác Hồ được thể hiện qua việc học tập và làm theo tấm gương Bác bằng những việc làm thiết thực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Cứ đều đặn mỗi tháng, bà Nguyễn Thị Tươi (ấp 5, thị trấn Nàng Mau) lại nhận được 10 kg gạo từ cán bộ ấp. Năm nay đã trên 80 tuổi, mọi chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày chỉ nhờ vào tiền trợ cấp người già 270.000 đồng/tháng, nên với người khác 10 kg gạo chẳng nhiều nhặn gì nhưng với bà Tươi nó rất quý giá.

Bà Tươi là 1 trong 9 trường hợp người già neo đơn, người có hoàn cảnh đặc biệt, nhận được sự hỗ trợ từ mô hình “Mỗi chi bộ là một địa chỉ nhân đạo”, thực hiện hơn 2 năm qua. Theo đó hàng tháng, mỗi chi bộ thuộc Đảng ủy thị trấn Nàng Mau đóng góp ít nhất 150.000 đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ gạo ăn hàng tháng cho 9 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương.

Gần hai chục năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng (ấp 1 xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy) là mạnh thường quân ủng hộ gạo cho Tổ cơm cháo, nước sôi miễn phí của Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Thanh (cũ), sau này là Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Thủy. Để tiện việc làm từ thiện, ông đã dành riêng 6/16 công ruộng làm từ thiện với hơn 2 tấn gạo mỗi năm.

Không chỉ các cá nhân, mà rất nhiều tập thể đã có những việc làm thiết thực học theo gương Bác. Tiêu biểu là Chi bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Vị Thủy, hơn 4 năm nay đã duy trì việc đến tận nhà dân làm thủ tục cấp mới, cấp đổi chứng minh nhân dân/căn cước cho người cao tuổi, người khuyết tật hoặc bệnh tật đi lại khó khăn.

Ông Đào Công Khanh, ở ấp 1 thị trấn Nàng Mau, bị tai biến, không khỏi xúc động vì đã được các chiến sĩ của đội xuống nhà làm thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân cho mình. Việc cấp chứng minh nhân dân/căn cước tại nhà cho một số trường hợp đặc biệt như ông Khanh là một phần việc của mô hình “Ân cần, chính xác vì nhân dân phục vụ” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Công an huyện Vị Thủy.

Ông Nguyễn Thanh Tươi, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Vị Thủy cho biết: Đến nay, toàn huyện có hơn 120 mô hình, cách làm hay theo gương Bác Hồ. Qua khảo sát, tổng kết đánh giá, Vị Thủy có 45 mô hình đạt hiệu quả tốt có thể nhân rộng, góp phần tích cực cùng địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Tiêu biểu như các mô hình: “Đâu khó có nông dân”, “Đâu khó có cựu chiến binh”, câu lạc bộ “Thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Lá lành đùm lá rách”, “Tổ hùn vốn mua thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ nghèo”, “Hội giúp Hội”, “Chung tay giúp đảng viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”, “Đảng viên phụ trách hộ”…

Từ khi thành lập năm 1999 đến nay, bước chuyển mình rõ nét nhất của huyện Vị Thủy là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người gần 40 triệu đồng/người/năm; toàn huyện có 27/46 trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, tăng 27 trường so với năm học 1999-2000. Các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo ngày càng được chú trọng, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,99% năm 2019 (năm 1999 là 38%)... Đó là những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân Vị Thủy thực hiện theo Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ rằng “Đến ngày chiến thắng, dân tộc ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. 

Thu Hiền - Hồng Dân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm