Gừng trâu - cây xoá nghèo mới của vùng Lục Khu Hà Quảng

Gừng trâu - cây xoá nghèo mới của vùng Lục Khu Hà Quảng
Lãnh đạo xã Vân An (Hà Quảng) kiểm tra sản phẩm gừng trâu tại xóm Nặm Đin, chuẩn bị giống cho vụ sản xuất năm 2016.
Lãnh đạo xã Vân An (Hà Quảng) kiểm tra sản phẩm gừng trâu tại xóm Nặm Đin, chuẩn bị giống cho vụ sản xuất năm 2016.
* Tiềm năng lớn nhưng diện tích còn nhỏ lẻ
 
Giá trị kinh tế của cây gừng trâu đã được nông dân các xã vùng cao huyện Hà Quảng biết đến từ lâu. Anh Nông Văn Tâm, xóm Nặm Đin, xã Vân An (Hà Quảng) vui vẻ kể: Từ năm 2005, gia đình tôi đã trồng gừng trâu. Trồng gừng trâu cũng dễ, trồng theo hốc, lúc trồng (đầu năm) dùng phân NPK hoặc phân chuồng bón lót, phủ một lớp rơm hoặc cỏ khô để giữ độ ẩm, chú ý làm cỏ và khi có mưa thì bón thúc mỗi hốc một ít phân đạm. Gừng trâu trồng 9 - 10 tháng thì cho thu hoạch, đất ở đây rất hợp với cây gừng, gia đình trồng 1.000 m2 mà được 2 tấn; hai năm vừa rồi (2013 - 2014) gừng được giá, trung bình 15.000 đồng/kg, lúc cao điểm 18.000 - 20.000 đồng/kg, thu 30 triệu đồng/năm từ trồng gừng.

Chủ tịch UBND xã Vân An Nông Văn Hoà cho biết: Hiện nay, diện tích trồng gừng trâu của xã khoảng 10 ha. 2 năm vừa qua, ước tính thu nhập từ trồng gừng trâu của cả xã khoảng 300 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
 
Theo khảo sát, đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng và Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Đức Chung, không chỉ xã Vân An mà các xã khác thuộc vùng Lục Khu trên địa bàn huyện Hà Quảng đều có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây gừng trâu. Trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất có thể đạt tới 20 tấn/ha. Nếu giá gừng trâu 5.000 đồng/kg thì người trồng đã có lãi.

Tuy nhiên, gừng trâu vẫn chưa thực sự là cây trồng hàng hoá của Lục Khu, diện tích trồng gừng vẫn ở dạng “nhỏ lẻ”, manh mún mà nguyên nhân chủ yếu là do giá cả không ổn định.
 
Vừa “trúng lớn” liên tiếp 2 vụ gừng trâu (2013 - 2014), nhưng anh Nông Văn Tâm vẫn ngần ngại: Gừng đến mùa thu hoạch thì có tư thương đến thu mua để bán sang Trung Quốc, nhưng giá cả bấp bênh lắm. Có năm 8.000 - 10.000 đồng/kg; có năm thấp hơn; thậm chí, có năm 2.000 đồng/kg mà không có người đến mua. Một vấn đề khác và về kỹ thuật, trồng gừng trâu nếu không bị sâu bệnh thì năng suất đạt cao; nhưng cũng có vụ, gừng bị thối củ, do chưa biết cách phòng chống như thế nào nên chưa dám mở rộng diện tích. Nhưng "so đi, tính lại", trồng gừng vẫn cho thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa nên gia đình duy trì trồng 1.000 m2/năm. Các hộ khác trong xã cũng vậy, thường mỗi hộ chỉ trồng 500 - 1.000 m2/năm.

* Để gừng trâu trở thành mặt hàng xóa đói giảm nghèo bền vững
Đại diện lãnh đạo huyện Hà Quảng và Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Đức Chung ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gừng trâu.
Đại diện lãnh đạo huyện Hà Quảng và Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Đức Chung ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gừng trâu.

Qua việc khảo sát, đánh giá một cách khá bài bản, kỹ lưỡng, với những tiềm năng, lợi thế của Lục Khu, Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Đức Chung đã đề xuất và được cấp ủy, chính quyền huyện Hà Quảng đồng ý hợp tác triển khai thực hiện Dự án Sản xuất và tiêu thụ gừng trâu có giá trị kinh tế cao.  

Triển khai thực hiện Dự án, Công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND huyện; tiếp theo sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm gừng trâu với UBND các xã và từng hộ dân đăng ký tham gia dự án. Năm đầu triển khai tại 2 xã: Vân An, Nội Thôn, các năm tiếp theo sẽ nhân rộng, dự kiến phát triển diện tích trồng gừng trâu khoảng 200 ha, tập trung tại các xã: Vân An, Cải Viên, Tổng Cọt, Lũng Nặm, Thượng Thôn, Nội Thôn, Kéo Yên, Hồng Sỹ... Công ty sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản giống, sản phẩm; nếu gừng bị bệnh thì hỗ trợ kỹ thuật phòng chống  và 100% thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Đến mùa thu hoạch, tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá trị trường, nếu có biến động về giá cả thì vẫn thu mua với mức giá 5.000 đồng/kg.  
 
Ông Chu Thế Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Đức Chung cho biết: Nông dân vùng Lục Khu đã có truyền thống, kinh nghiệm trồng gừng; thị trường rất thuận lợi vì hiện nay, nhu cầu gừng để làm dược liệu, sơ chế để xuất khẩu rất lớn. Công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc về tiêu thụ sản phẩm gừng trâu với một số doanh nghiệp với số lượng khoảng 6.000 tấn. Đó là những điều kiện thuận lợi cơ bản đảm bảo cho thành công của dự án. Điều quan trọng nhất là ngoài tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nông dân cần thực hiện đúng cam kết hợp đồng với Công ty; vì có khả năng đến mùa thu hoạch, các tư thương không phải đầu tư sẽ nâng giá thu mua gừng trâu. Điều đáng lưu  ý nữa là, giá thu mua của Công ty sẽ tính theo mức chung của cả khu vực, có thể thấp hơn giá thị trường tại địa phương theo từng thời điểm, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài. Người tham gia dự án, nếu vì lợi ích trước mắt, không bán sản phẩm cho Công ty, thì từ năm sau, Công ty sẽ không thu mua nữa. Do vậy, Công ty mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình triển khai dự án.

Những ngày này, Dự án Sản xuất và tiêu thụ gừng trâu có giá trị kinh tế cao đang được tích cực triển khai thực hiện tại xã Vân An. Chủ tịch UBND xã Vân An Nông Văn Hoà phấn khởi cho biết: Dự án như một “luồng gió mới” để gừng trâu trở thành cây xoá nghèo. Xã tích cực tuyên truyền, nhân dân hiểu rõ và rất phấn khởi vì có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đã có gần 160 hộ dân đăng ký tham gia trồng gừng trâu với diện tích trên 20 ha. Xã đã chủ động mời cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lên tập huấn kỹ thuật trồng gừng trâu cho các xóm. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là về giống, vì hiện nay, giá gừng giống khá cao (15.000 - 20.000 đồng/kg). Trước mắt, xã vận động nhân dân chia sẻ, giúp đỡ nhau về giống; về lâu dài, xã mong muốn huyện nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ giống gừng trâu cho bà con vùng dự án.Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, Dự án Sản xuất và tiêu thụ gừng trâu có giá trị kinh tế cao - một biểu hiện của mô hình liên kết “4 nhà”, do UBND huyện Hà Quảng và Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Đức Chung thực hiện sẽ thành công, tạo hướng xóa nghèo bền vững cho nông dân vùng cao đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Nguyễn Sỹ Hành: Huyện cũng rất ủng hộ Dự án Sản xuất và tiêu thụ gừng trâu có giá trị kinh tế cao do Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Đức Chung đề xuất và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã vùng dự án vào cuộc; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, làm tốt công tác quản lý thu mua, bao tiêu sản phẩm. Nghiên cứu, lồng ghép hợp lý các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu như Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới... để  tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển gừng trâu trở thành cây trồng hàng hoá, xóa nghèo./.

       
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm