Gùi có nắp của người Mạ

Gùi có nắp của người Mạ
Gùi có nắp được đan rất kỳ công, bởi ngoài giá trị của một vật dụng, nó còn giúp các chàng trai người Mạ thể hiện sự khéo léo của mình trước các cô gái và cộng đồng.
 
Gùi có nắp được đan rất kỳ công
Gùi có nắp được đan rất kỳ công

Theo phong tục của đồng bào Mạ, đứa trẻ mới sinh ra 8 ngày tuổi sẽ được làm lễ đặt tên. Trong ngày lễ, người thân sẽ mang tặng cho bé một chiếc gùi nhỏ có nắp xinh xắn, thể hiện sự cầu mong bé có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Đối với nữ, khi đến tuổi lập gia đình, các cô gái để những vật hứa hôn trong chiếc gùi này rồi mang đến tặng nhà trai. Riêng các chàng trai thì khi vừa tròn 16 tuổi sẽ được học đan lát để chứng tỏ mức độ trưởng thành của mình trong gia đình và là quà cưới đặc biệt dành cho vợ của mình.

Gùi có hình trụ đứng, chiều cao trung bình từ 60-90cm, độ lớn của miệng tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng. Để đan một chiếc gùi có nắp hoàn chỉnh, mang đặc trưng của người Mạ không hề đơn giản mà trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc chọn nguyên liệu đến các bước tạo hoa văn và hoàn thành sản phẩm.
 
Gùi có nắp dùng để đựng các vật dụng quý giá của gia đình
Gùi có nắp dùng để đựng các vật dụng quý giá của gia đình

Đầu tiên, người làm phải vào rừng kiếm những cây lồ ô, mây già chặt ra thành từng đoạn rồi ngâm dưới bùn khoảng 1 tuần, vớt lên phơi khô chuốt thành sợi nhỏ. Gùi được dựng khung bằng những chiếc nan thẳng đứng, sau đó đan từ dưới lên. Tới miệng, nẹp thêm thanh tre để lâu trên gác bếp đã chuyển sang màu nâu hơ nóng cho dễ uốn thành vòng tròn quanh miệng gùi, buộc chéo những sợi mây chẻ nhỏ cho chắc chắn rồi mới làm đế.

Sau khi đan xong phần thân gùi lại tiếp tục làm vành miệng, kết quai gùi, dây ràng và trang trí cho gùi. Tất cả các khâu này đều được tiến hành tỉ mỉ, rất khéo léo, công phu. Khó nhất là công đoạn làm nắp, trên nắp gùi người ta đan các dải hoa văn theo lối kép gồm hai đường viền khác nhau chạy song song và đều đặn.

Hiện nay, người duy nhất biết đan gùi có nắp ở bon B'Nâm Prăng Răh là ông K’Krong, nay đã ngoài 70 tuổi. Với niềm đam mê nghề đan lát truyền thống và bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, ông K’Krong đã chế tác ra những sản phẩm mây tre độc đáo, tinh xảo, nhất là gùi có nắp. Các sản phẩm do ông làm ra không chỉ đơn thuần là dụng cụ phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày mà còn có giá trị về mặt thẩm mỹ, giữ được “hồn” văn hóa truyền thống của người Mạ.
 
Tại Hội xuân Mậu Tuất 2018, Hội thi đan gùi thu hút nhiều nghệ nhân tham gia
Tại Hội xuân Mậu Tuất 2018, Hội thi đan gùi thu hút nhiều nghệ nhân tham gia

Ông K’Krong tâm sự: “Đan một chiếc gùi bình thường khoảng 3 ngày là xong nhưng đan gùi có nắp phải mất nửa tháng nên rất quý. Ai đặt làm thì tôi làm vậy thôi, thu nhập không là bao nhưng cốt yếu là giữ được nghề của cha ông để lại”. Ông K’Tiêng ở cùng bon cho biết: “Ở bon này, người đan lát đẹp như ông K’Krong chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi quý mến và khâm phục tài đan lát của ông. Ngoài việc đặt mua các loại gùi, tôi còn đặt ông làm 1 chiếc gùi có nắp để dành cho con gái trước khi lấy chồng nữa đấy”.
Theo baodaknong.org.vn

Có thể bạn quan tâm