GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Lễ gặp mặt kỷ niệm 50 năm GP10 đi chiến trường (16/3/1953-16/3/2023) đã diễn ra trang trọng và xúc động, sáng 16/3 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hà Nội). GP10 là lớp phóng viên chiến trường, một trong những "thế hệ vàng" đã trở thành một danh hiệu góp phần tô thắm, làm rạng danh truyền thống vẻ vang của TTXGP và TTXVN...

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang; các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Tuấn Hùng, Đoàn Thị Tuyết Nhung, cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo TTXVN, Ban biên tập tin Trong nước, Ban biên tập Ảnh qua các thời kỳ; các đồng chí nguyên là phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên khóa GP10 từ khắp mọi miền Tổ quốc, đại diện các gia đình liệt sỹ, đã dự Lễ.

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 1Đồng chí Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy,Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu chào mừng. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Tự hào “thế hệ vàng” TTXVN

Ngay từ sớm, các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên GP10 đã gặp lại nhau để ôn lại những kí ức hào hùng sau 50 năm lên chuyến tàu rời Hà Nội đi chiến trường, cho dòng tin thông tấn liên tục chảy mãi. Ai cũng xúc động và tự hào khi nhìn lại bức ảnh vào tháng 3/1973, các phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên khóa GP10 lên đường chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Khi đó, không chỉ học cách tác nghiệp, phóng viên GP10 còn phải học cách sinh tồn, chiến đấu giữa mưa bom, bão đạn.

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 2Các phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên GP10 và các đại biểu chụp ảnh chung tại Trung tâm thông tấn quốc gia. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN

Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ anh linh các nhà báo, liệt sỹ của TTXVN đã hy sinh; thương tiếc các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên khóa GP10 đã qua đời; tham quan Phòng truyền thống của Thông tấn xã Anh hùng. Đặc biệt, các đại biểu đã xem phóng sự về những ngày tháng chiến đấu quả cảm, kiên cường, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên khóa GP10.

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 3Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Hồ Tiến Nghị phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đầu năm 1972, chiến sự leo thang, Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến. Trên tinh thần đó, Việt Nam Thông tấn xã tổ chức tuyển chọn, đào tạo lớp phóng viên đặc biệt (GP10) để chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung và TTXGP nói riêng, nhằm đảm bảo cho dòng tin không bị gián đoạn.

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 4Trưởng Ban liên lạc khóa GP 10 Nguyễn Sỹ Thuỷ phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN

Theo nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, Trưởng ban Liên lạc GP10, đây là lớp phóng viên, kỹ thuật viên chiến trường của TTXVN với quy mô lớn nhất, chất lượng nhất, chi viện cho miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất cho trận đánh cuối cùng - giải phóng miền Nam. Trong lớp phóng viên GP10 có 108 nam, nữ phóng viên và hơn 50 cán bộ kỹ thuật lên đường trực tiếp tham gia các mặt trận phía Nam. Số còn lại nhận nhiệm vụ đi thường trú ở các phân xã (nay là cơ quan thường trú) phía Bắc; giúp nước bạn Lào, làm nhiệm vụ trong Ban liên hợp quân sự 4 bên ở trại Đa-vít Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), bổ sung vào các đoàn phóng viên từ Hà Nội tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Sau những ngày học tập khẩn trương, các phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên hành quân vượt Trường Sơn với những ngày đói cơm, thiếu rau, nhạt muối, trên đầu máy bay kẻ thù ngày đêm quần đảo dội bom, nhưng không một ai nản chí, vẫn tiến ra mặt trận với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Các phóng viên GP10 tỏa đi chiến trường từ Bình Trị Thiên cho đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ…

Nguyên Trưởng ban biên tập tin Trong nước, TTXVN, Nguyễn Văn Trường chia sẻ: Nếu chúng ta là đội quân xung kích thì GP10 chính là đội xung kích tinh nhuệ, hoạt động trong một giai đoạn lịch sử phát triển đặc biệt của TTXVN. Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt của dân tộc sắp kết thúc; sau đó là chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam... Không ở đâu trên thế giới này mà tuổi thanh xuân của đời người lại phải trải qua 3 cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc như đất nước chúng ta. Tuổi thanh xuân của những thành viên GP10 thật tươi đẹp, tự hào, họ nhìn thấy hạnh phúc trong đấu tranh...

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 5Nhà báo Bùi Thanh Liêm khóa GP10 phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN

Nhà báo Phạm Hoạt, nguyên Trưởng ban biên tập Ảnh, TTXVN, cho biết: Đối với Ban biên tập Ảnh, số phóng viên GP10 là lực lượng chủ đạo của mảng thông tin chính trị- ngoại giao, kinh tế... Các thành viên đều là những người trẻ tuổi, tốt nghiệp đại học, có tri thức, tiếp thu nhanh, tích cực trong công tác. Suốt chặng đường đồng hành cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, TTXVN tự hào là cơ quan báo chí được 3 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2001) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005 và 2020). Đây chính là sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của TTXVN trong sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những đóng góp quan trọng của lớp phóng viên GP10.

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 6Nguyên Trưởng Ban biên tập Ảnh Phạm Hoạt phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Ngoài các phóng viên, lực lượng GP10 còn bao gồm các kỹ thuật viên phụ trách vận hành, sửa chữa máy ảnh, máy teletype… phục vụ cho công tác thông tin được thông suốt. Ông Hoàng Văn Tùng là một trong các kỹ thuật viên lên đường năm 1973. Sau 4 năm học ngành luyện kim ở Thái Nguyên, ông được chọn tham gia công tác tại Bộ phận kỹ thuật-Đài Minh ngữ (thu phát chữ bình thường, không phải mật ngữ) tại Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V (Làng Tuyên). Ông chia sẻ: Bộ phận kỹ thuật đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa tin, phát tin về cơ quan kịp thời, dù môi trường hoạt động nhiều khó khăn, cuộc chiến ác liệt... Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, những kỹ thuật viên - chiến sỹ ấy cũng đặt nhiệm vụ lên hàng đầu và nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao...

"Trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt, đã có những phóng viên GP10 ngã xuống, một số là thương binh đã để lại một phần máu xương tại chiến trường miền Nam. Trang sử vẻ vang của TTXVN khắc ghi mãi dấu chân của anh chị em trên đường mòn Hồ Chí Minh trong những ngày cả nước náo nức hành quân đi đánh giặc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy xúc động nhớ lại.

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 7Các đại biểu khoá GP10 tham quan phòng truyền thống TTXVN. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN

Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại nổ ra. Phóng viên tin, ảnh GP10 lại có mặt ở tuyến đầu. Nhiều phóng viên GP 10 một lần nữa hành quân ra trận, trong đó có nhiều người được cử đi làm phóng viên mặt trận bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia... Trên mặt trận xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội ở khắp nẻo đường đất nước, đều có mặt phóng viên lớp GP10.

Thời chiến cũng như trong thời bình, dù ở vị trí công tác nào, anh chị em phóng viên lớp GP10 đều cần mẫn, năng nổ, hăng hái làm việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng trở thành những phóng viên, biên tập viên, cây viết chủ lực tại các Ban biên tập, các tòa soạn, ấn phẩm của TTXVN...

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 8Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang tặng hoa đại diện khóa GP 10. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Tiếp lửa truyền thống

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nêu rõ: Vào ngày này, cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 16/3/1973, đúng trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chuyến tàu xuyên qua những vùng bom đạn, chở những phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên thông tấn lên đường chi viện cho các mặt trận nóng bỏng từ Liên khu 5 tới cực Nam của Tổ quốc. Những thanh niên, sinh viên tuổi đôi mươi ngày ấy với tri thức, lòng yêu nước và trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ của nhà báo-chiến sỹ trên chiến trường.

Những dòng tin, bức ảnh nóng hổi của các phóng viên thông tấn được truyền phát về hậu phương, báo tin mừng thắng lợi trên từng bước tiến quân, sự anh dũng, quả cảm của người lính Cụ Hồ, từ đó Tổng xã truyền đi toàn thế giới thông điệp về cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

Đã có những phóng viên GP10 hy sinh ngay trên đường hành quân ra mặt trận; nhiều phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên đã để lại một phần xương máu trên khắp các chiến trường. Không ít người đến nay vẫn phải chịu di chứng của chất độc hóa học và bom đạn. Những hy sinh to lớn ấy khẳng định sự đóng góp vô giá của các thế hệ người làm báo thông tấn với nền báo chí cách mạng Việt Nam, ghi những mốc son hào hùng trong trang sử truyền thống vẻ vang của Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam.

Những phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên trưởng thành trong lửa đạn chiến trường khi trở về đã giữ nhiều trọng trách trong cơ quan, truyền ngọn lửa cống hiến để các thế hệ kế cận viết tiếp trang sử hào hùng của cơ quan thông tấn.

GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 9
GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 10
GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 11
GP10 - “Thế hệ vàng” TTXVN kỷ niệm 50 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ảnh 12Các đại biểu là phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên khóa GP10 ngày gặp mặt. Ảnh: Quỳnh Anh-TTXVN phát

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nhấn mạnh: Lớp lớp các nhà báo, kỹ thuật viên, nhân viên thông tấn kế thừa ngọn lửa truyền thống, không ngừng nỗ lực để thông tin thống tấn luôn vững vàng là dòng thông tin chủ lực đối nội, đối ngoại trong hệ thống truyền thông quốc gia; khẳng định vai trò là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

Trong các sự kiện quan trọng, nguồn tin của TTXVN là nguồn tin chính thống cung cấp cho hệ thống báo chí trong và ngoài nước; khi có các sự kiện quốc tế quan trọng được tổ chức tại Việt Nam, TTXVN luôn được tin tưởng giao trọng trách hãng ảnh chủ nhà. Quan hệ quốc tế của TTXVN với các đối tác nước ngoài không ngừng được củng cố và mở rộng.

Đặc biệt, phóng viên thông tấn có mặt trên mọi miền đất nước, tỏa đi khắp năm châu, dù ở địa bàn hiểm nguy vì bão lũ, thảm họa hay nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; dù ở nơi biên viễn, đảo xa hay vùng chiến sự ở nước ngoài, với tinh thần của những nhà báo - chiến sỹ, các phóng viên thông tấn luôn sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu để có những dòng tin, bức ảnh phản ánh chân thực cuộc sống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin chiến lược được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.

Có phóng viên đã ngã xuống khi tác nghiệp trong thời bình; nhiều giải thưởng báo chí các cấp, ở cả trong và ngoài nước ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của phóng viên thông tấn... Đó là những minh chứng khẳng định lòng quả cảm, sự dấn thân của những phóng viên thông tấn luôn được hun đúc, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm