Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Ngày 28/3, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo có sự tham gia của đại biểu 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 1Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận đề xuất, góp ý các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên; nêu thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông - lâm trường, đất rừng giao lại cho địa phương và giao cho cộng đồng dân cư, các hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; những vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng giá đất; thực trạng lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Đặc điểm chung tại các tỉnh Tây Nguyên, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Theo ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi rà soát lại theo Nghị quyết 30 và Nghị quyết 112 của Quốc hội, phần diện tích đất đai được chuyển giao về địa phương khiến cho tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người có nhu cầu. Vì vậy, tỉnh mong muốn nhận được sự hỗ trợ về mặt kinh phí từ phía Trung ương để sử dụng cho việc đo đạc, cấp quyền sử dụng đất phần diện tích chuyển giao về địa phương.

“Liên quan đến việc sửa đổi Luật đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đề xuất tại Điều 180 dự thảo Luật Đất đai về hạn mức giao đất hàng năm là 2 ha; đất cây lâu năm là 30 ha đối với các xã trung du, miền núi - tương ứng với vùng Tây Nguyên, hạn mức đất cây hàng năm quá ít cần tăng diện tích này lên để thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Lương Thanh Bình chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm với góp ý của tỉnh Gia Lai, ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện nay, nhu cầu về đất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong khi quỹ đất tại các địa phương để giải quyết và bố trí cho người dân không còn nhiều hoặc là không còn, đây là áp lực lớn đối với chính quyền các cấp.

Tỉnh Kon Tum đã có chủ trương giãn dân ra các khu vực đất của các nông, lâm trường chuyển giao, nhưng đến nay hầu như các địa phương trong tỉnh đều vướng phải việc không thể lập phương án, quy hoạch sử dụng đất vì thiếu kinh phí đo đạc diện tích đất đai này.

Bên cạnh đó, đại biểu các tỉnh Tây Nguyên đã tham gia góp ý và đề xuất Quốc hội tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Điều 17 và các điều, khoản quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 2Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Tham gia góp ý tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bảo dân tộc thiểu số còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Để thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong những năm qua, Ủy ban Dân tộc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý khoản 1 Điều 17 thành: “Có chính sách giao đất, hỗ trợ về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế từng vùng”.

Đặc biệt, hiện nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành, tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong Luật cần cụ thể hóa vấn đề nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc và cần quan tâm triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào Tây Nguyên. Bổ sung các quy định trong Luật nhằm tránh tránh tình trạng thâu tóm đất đai nhất là đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý diện tích đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh sau khi đất được hỗ trợ lại rao bán, tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương đánh giá cao những ý kiến tham luận, các đại biểu đã đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tây Nguyên đảm bảo gắn liền thực tiễn chính sách đất đai khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở các tham luận tại Hội thảo, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận, tổng hợp để tiếp tục góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm