Góp ý dự thảo Đề án “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc”

Góp ý dự thảo Đề án “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc”
Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,6% dân số cả nước. Trong đó, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2015, có 16 dân tộc thiểu số rất ít người, dưới 10 nghìn người: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Đây là những dân tộc có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội hết sức khó khăn và có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển.
 
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải

Tại Nghị quyết số 137/NQ – CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc”.

Theo quan điểm của Đề án, bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc rất ít người là một yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài ở nước ta, là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, là phương thức để mỗi người, mỗi gia đình dân tộc thiểu số nâng cao chất lược cuộc sống, tiến tới bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc.

Thời gian thực hiện Đề án là 10 năm (từ năm 2020 đến năm 2030) chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2025. Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Đề án là hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện tình trạng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người cả về số lượng và chất lượng, nhằm đạt được mức sinh thay thế, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc.

Các giải pháp cơ bản trong Đề án là: Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, các mô hình tuyên truyền, giáo dục về dân số và hoạt động dịch vụ dân số thích hợp với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người; Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào chuyển đổi hành vi nhằm kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số; Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; Huy động sự tham gia của toàn xã hội; tổ chức thực hiện Đề án một cách sáng tạo, thích hợp và hiệu quả.
 
Đồng bào dân tộc Brâu ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là 1 trong 16 dân tộc có dưới 10 nghìn người ở nước ta. Ảnh: Hoàng Tâm
Đồng bào dân tộc Brâu ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là 1 trong 16 dân tộc có dưới 10 nghìn người ở nước ta. Ảnh: Hoàng Tâm 

Phát biểu đóng góp tại hội thảo, đa số các đại biểu đều thống nhất với dự thảo Đề án và có một số ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực để hoàn thiện Đề án như: Cần phải xác định đúng đối tượng, phạm vi của Đề án, xây dựng các mô hình chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giữa các địa phương; cần cụ thể các nhóm giải pháp đối với các nhóm dân tộc và giữa các dân tộc với nhau; đánh giá sự tác động của Đề án với các chính sách dân tộc khác để đảm bảo không có sự thụ hưởng chồng chéo, trùng lặp; tập trung và việc nâng cao chất và lượng dân số của các dân tộc dưới 10 nghìn người…  

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự hội thảo và yêu cầu Ban soạn thảo Đề án tiếp thu các ý kiến đóng góp trên cơ sở phải bám sát Nghị quyết 21 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII và Nghị quyết 137 – NQ/CP của Chính phủ và sớm có kế hoạch triển khai thực hiện hoàn thiện Đề án sớm trình Chính phủ  phê duyệt. 
          Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm