Góp ý "Dự thảo chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030"

Góp ý "Dự thảo chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030"
Hiện nay, những xu hướng mới đang xuất hiện và có tác động nhất định đến định hướng chiến lược trong ngành du lịch toàn cầu. Dự báo, bức tranh thị trường du lịch trong tương lai bị chi phối bởi những nhân tố như định hình thị trường, sự thay đổi trong hành vi của du khách và sáng kiến du lịch thông minh. 
Ông John Low, Tổng Giám đốc Công ty Roland Berger khu vực Đông Nam Á, phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Ông John Low, Tổng Giám đốc Công ty Roland Berger khu vực Đông Nam Á, phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Trước bối cảnh này, "Dự thảo chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030" sẽ đánh giá hiện trạng và tiềm năng các nguồn lực phục vụ phát triển du lịch thành phố. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng xác định chiến lược then chốt dựa trên định hướng và phát triển thị trường; loại hình, sản phẩm du lịch then chốt và quản trị chất lượng điểm đến; phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp thị và thương hiệu; đầu tư và chính sách; ứng dụng khoa học công nghệ. Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Dự thảo đưa ra tầm nhìn là vào năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hóa, lối sống trong một thành phố thông minh, mang đến sự hứng khởi và cảm xúc trên mỗi hành trình. Trên cơ sở này, thành phố phải xây dựng và triển khai chiến lược phát triển du lịch với những mục tiêu giúp doanh thu ngành du lịch tăng 107% so với mức hiện tại, đóng góp 17% vào GRDP toàn thành phố vào năm 2030. Cùng với đó, cần có khung chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến 2030 và chiến lược then chốt của từng mảng trong hệ sinh thái du lịch như sản phẩm, thị trường, thương hiệu, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp... Còn theo ông John Low, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger, khu vực Đông Nam Á với phân khúc du khách đa dạng, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những sản phẩm du lịch và chiến lược khác nhau cho từng đối tượng để đảm bảo thu hút du khách một cách hiện quả. Đơn cử, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có định vị về sản phẩm du lịch đặc thù, cũng như vượt trội so với những thành phố khác trong khu vực. Để phát huy những giá trị tiềm năng sẵn có, ông John Low cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh nên tập trung vào 3 sản phẩm du lịch trọng điểm: văn hóa và di sản, ẩm thực, mua sắm. Đối với ẩm thực, thành phố cần phát triển các hướng dẫn ẩm thực theo chủ đề và có tính tương tác nhằm khuyến khích du khách tìm hiểu. Thành phố cần nghiên cứu và xây dựng lộ trình toàn diện, nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh ẩm thực đường phố... 
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch đề xuất rằng chuỗi giá trị du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển những sản phẩm du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách tại một số hạng mục cần được ưu tiên để cải thiện ngay. Trong đó, mạng lưới hỗ trợ du lịch và cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh rất quan trọng và cần tăng cường cải thiện hơn nữa. Thương hiệu du lịch của thành phố đóng một phần quan trọng trong việc thu hút, khẳng định bản sắc riêng nhưng hiện nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế thành phố cần một chiến lược phát triển du lịch toàn diện đến năm 2030./. 
Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm