Góp ý cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

Góp ý cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

Ngày 15/7, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ, đóng góp ý kiến cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.

Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bạo lực gia đình là vấn nạn chung của toàn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành từ năm 2007, đến nay đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Chính vì vậy, trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.

Theo kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào tháng 11/2021. Dự kiến Quốc hội thảo luận về dự án Luật này tại kỳ họp đầu năm 2022 và xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022. Dự thảo Luật sửa đổi tập trung vào các nội dung: những quy định chung các nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; các biện pháp can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…

Đề cập đến khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên thế giới và ở Việt Nam, bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý Chương trình quản trị quyền trẻ em, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children in Vietnam) cho rằng, liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, các ủy ban của Liên hợp quốc quan tâm đến vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đề cập đến các vấn đề về bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam đã ký cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, có mục tiêu 16.2 về các vấn đề bảo vệ trẻ em.

“Ở Việt Nam, liên quan đến khung pháp lý về bảo vệ trẻ em có Luật Trẻ em 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình 2017, Luật Giáo dục 2005, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và Luật Hình sự. Điều 26, Luật Trẻ em 2016 ghi rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, không bị bỏ rơi, bỏ mặc và được phát triển an toàn. Tuy nhiên, trong tất cả các luật liên quan đến trẻ em, các hình phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được hiểu đúng mức, chưa được làm rõ ở bất kỳ điều luật nào. Thực tế, việc bố mẹ đánh, quát mắng con như một cách giáo dục là hình thức bạo lực với trẻ em và vi phạm pháp luật”, bà Hoàng Thị Tây Ninh nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ thực trạng, thảo luận về khả năng, cơ hội, định hướng tham gia và nội dung chính của kế hoạch vận động chính sách của mạng lưới Quản trị quyền trẻ em (CRG) đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Qua đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp như: tạo ra hành lang pháp lý để các em được lớn lên an toàn, phát triển toàn diện; nâng cao kiến thức bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em cấp cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật. Đặc biệt là cần có sự tham gia của các bên liên quan nhằm chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em.

Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm