Góp phần thúc đẩy nhu cầu phát triển của phụ nữ và nam giới các dân tộc thiểu số

Góp phần thúc đẩy nhu cầu phát triển của phụ nữ và nam giới các dân tộc thiểu số
Khai mạc Hội thảo, bà Cait Moran, Đại sứ Ireland tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ thực sự cả về phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới trong 20 năm qua; tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết trong thời gian tới.

Theo bà Đinh Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), Việt Nam là quốc gia thành viên trong số 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt 8 Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015. Trong 8 mục tiêu này có 3 mục tiêu Việt Nam được đánh giá là đạt về cơ bản. Trên thực tế, để Việt Nam đạt được các mục tiêu này thực chất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách đầy đủ và đúng nghĩa đang còn là vấn đề đầy khó khăn, thách thức. Đơn cử như với mục tiêu về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, theo kết quả khảo sát điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện cuối năm 2015 cho thấy, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chung của các dân tộc thiểu số năm 2015 là 23,1%, cao hơn gần 4 lần so với mức chung của cả nước, trong đó đặc biệt có 14 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo rất cao từ 41% trở lên, cá biệt có 3 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 70% là các dân tộc thiểu số: La Hủ 83,9%, Mảng 79,5% và Chứt 75,3%.

Hội viên Phụ nữ xã Minh Dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới. Ảnh: Nguồn baotuyenquang.com.vn
Hội viên Phụ nữ xã Minh Dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới. Ảnh: Nguồn baotuyenquang.com.vn

Đối với mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, chỉ tính riêng tỉnh Hà Giang tính đến 30/4/2015 còn gần 24 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số mù chữ, trong đó gần 18 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số mù cả chữ và tiếng phổ thông. Kết quả khảo sát điều tra cũng cho thấy tình trạng bạo lực trên cơ sở giới như tảo hôn rất đáng báo động. Chỉ tính riêng năm 2014 có 10/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao ở mức 45% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50% trở lên như: Brau, Rơ Măm, La ha, Xinh Mun, Ơ đu và Mông. Trong đó, Ơ đu là dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, lên tới 70,2%. Đối với công tác cán bộ, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/4/2015, trong tổng số cán bộ, công chức của 4 cấp hành chính: Trung ương, tỉnh, huyện, xã của Việt Nam, người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 7,51%.

Quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được đảm bảo và phát huy. Ảnh: Nguồn dangcongsan.vn
Quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được đảm bảo và phát huy.  Ảnh: Nguồn dangcongsan.vn

Tại Hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho rằng, các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan của Chính phủ bao gồm Ủy ban Dân tộc cần tăng cường các nguồn lực, thông qua mục tiêu cụ thể có trách nhiệm giới, thiết kế các giải pháp và hành động sáng tạo; xây dựng một hệ thống số liệu phân tách giới tính theo nhóm tuổi và dân tộc nhằm xác định nhu cầu, tình trạng kinh tế xã hội của phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số hiệu quả hơn.

Cho đến nay, điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 là khảo sát lớn nhất của quốc gia về các nhóm dân tộc thiểu số do Tổng cục Thống kê thực hiện. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số với 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước.
Thu Phương

Có thể bạn quan tâm