Gốm trong đời sống người Bahnar, Jrai

Gốm trong đời sống người Bahnar, Jrai
Từ ngày xưa, ché đã được coi như một trong những thước đo dùng để đánh giá mức độ giàu có của một gia đình và nó cũng giống như nhiều vật dụng khác sẽ được đập vỡ theo người chết về thế giới bên kia.
Người mẹ địu con trên lưng đi làm rẫy vốn là một hình ảnh đẹp đã được các nghệ nhân đưa vào các bức tượng gỗ dân gian. Hình ảnh ấy lại được tái hiện bằng chiếc ché “Mẹ bồng con” khá đặc sắc. Ở nhiều nơi, người ta phát hiện có ché “Một mẹ hai con”, “Một mẹ ba con”. Bảo tàng tỉnh hiện đang trưng bày 2 chiếc ché “Một mẹ một con”. Một trong 2 chiếc ché ấy là của ông Đinh Hiu tặng. Chiếc ché có dáng cao, bầu ở phần trên và thon dài xuống phần đáy.
 
Ché Mẹ bồng con trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Gia Lai.
Ché Mẹ bồng con trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Trên cổ ché có gắn một chiếc ché nhỏ. Thân ché được trang trí hoa văn đơn giản và tráng men láng bóng. Ché “Mẹ bồng con” ấy từng là một tài sản vô cùng quý giá của gia đình ông Hiu bởi phải đổi những 6 con trâu mới có được. Vì rất quý nên chỉ trong những lễ cúng Yàng, cầu an cho gia đình, ché mới được đem ra dùng, còn ngày thường thì được cất giữ như vật báu trong nhà. Trong khu trưng bày ché tại Bảo tàng tỉnh, còn có một cặp ché “Vợ chồng” khá độc đáo. Chiếc ché tượng trưng cho người vợ có hình dáng lớn hơn-theo chế độ mẫu hệ, được khắc chìm hình con rồng trên thân. Chiếc ché chồng có hình dáng thấp hơn một chút và trang trí hình đám mây trên sóng nước. Thông thường, để được sở hữu một chiếc ché, các gia đình phải đổi bằng rất nhiều trâu, bò. Những chiếc ché được sưu tầm trong dân gian thường được trang trí bằng nhiều hoa văn đa dạng như sóng nước, rồng, thằn lằn, cóc, rùa…

Mặc dù không đạt được kỹ thuật cao như ché, nhưng đồng bào bản địa cũng đã làm ra những chiếc nồi đất phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình.

Chị Nguyễn An-thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Ban đầu, đồng bào lấy đất sét mang về phơi khô, khi đất sét đã khô đem đập nhỏ ra, lấy sạch rác, sau đó cho vào cối giã nhỏ, rồi ngâm vào nước lấy phần đất mịn đem phơi khô vừa keo lại, nắm thành cục, dùng tay nặn thành vật dụng tùy ý. Khi đã nặn xong, họ mang những sản phẩm đó phơi cho khô mặt, sau đó lấy thanh tre cật  mỏng cạo cho nhẵn mặt trong và mặt ngoài rồi để trên dàn bếp khoảng 2 tuần, sau đó đem ra ngoài vườn chất củi đốt. Khi vật dụng có màu đỏ như hòn than thì dừng đốt củi, chờ lửa tàn, mang ra để cho nguội, nhuộm đen, ngâm nước rồi đem dùng”.

Ngày nay, sự mở rộng giao lưu buôn bán đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp cận với đồ dùng được làm từ nhiều vật liệu khác nhau. Theo đó, đồ dùng bằng gốm cũng dần được thay thế. Không chỉ vậy, sau lễ tang ma, những chiếc ché quý, xoong nồi cũng bị đập vỡ nhằm chia tài sản cho người chết cũng khiến loại vật dụng này không còn nhiều.
 
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm