Gỗ lậu vùng biên

Gỗ lậu vùng biên
Từ đầu năm đến nay, tại các xã khu vực biên giới huyện Ia Grai, lâm tặc lén lút mua bán và vận chuyển gỗ trái phép gây bất bình dư luận, nhất là tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với tỉnh Kon Tum. Lợi dụng địa hình hiểm trở, các đối tượng khai thác gỗ trái phép tại các lâm phần thuộc huyện Ia H’Drai và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) và vận chuyển bằng đường sông về tập kết bí mật tại các bến sông thuộc địa phận các xã như: Ia O, Ia Khai, Ia Chía, Ia Krái (huyện Ia Grai). Trong đó, bến sông gần làng Tung Chúc (xã Ia Khai) là điểm tập kết gỗ lớn nhất của các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Bến này lọt thỏm giữa rừng cao su của Công ty 715 và rẫy của người dân, rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, bến sông này tương đối rộng và cạn nước, địa hình xung quanh bằng phẳng thuận lợi cho việc trục vớt gỗ.
 
Gỗ lậu vùng biên ảnh 1
Hạt Kiểm lâm Ia Grai bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép. Ảnh: N.T

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây bến sông này hoạt động cầm chừng, tuy nhiên hơn 2 tháng trở lại đây, xe chở gỗ vào ra liên tục. Các loại xe tải có cần cẩu liên tiếp kéo gỗ đưa lên xe công nông độ chế tời chở gỗ từ đây đến nơi khác cất giấu giữa rừng cao su và cà phê gần Nghĩa trang xã Ia Krái; khu vực rừng cao su tiểu điền và cà phê của Công ty 705, đoạn tiếp giáp với khu dân cư của Công ty 715 (thuộc thôn 2, xã Ia Krái). Thậm chí, các đối tượng khai thác gỗ còn tập kết gỗ tại khu vực sân phơi của Công ty 705, đoạn trước và sau lưng Trường THPT A Sanh (thôn 1, xã Ia Krái).

Khi đêm đến, các hoạt động mua bán, vận chuyển gỗ trái phép hoạt động mạnh khiến người dân không thể yên giấc ngủ. Việc các phương tiện giao thông liên tiếp vào ra vận chuyển gỗ trái phép làm đường giao thông nông thôn và đường giao thông nội bộ của các công ty đứng chân trên địa bàn bị hư hỏng nghiêm trọng. Các con đường ở đây chưa được bê tông hóa nên bị lầy lội vào mùa mưa. Đường giao thông nội bộ của Công ty 715 có chiều dài khoảng 20 km độc đạo nối từ tỉnh lộ 664 đến các đội sản xuất và các làng lân cận của xã Ia Krái và Ia Khai phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Hàng trăm hộ dân vùng phía trong rất vất vả qua lại con đường này.

Trước tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ trên địa bàn có chiều hướng phức tạp, UBND huyện Ia Grai chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường tuần tra kiểm soát, bắt giữ nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Ia Grai đã bắt giữ, lập biên bản 55 vụ vi phạm, tịch thu 272 m3 gỗ các loại, thuộc các nhóm II-V, tổng số tiền xử phạt là 137.050.000 đồng. Gần đây, tại khu vực cao su tiểu điền và vườn cà phê thuộc Công ty 705, đoạn tiếp giáp với khu dân cư của Công ty 715, Hạt Kiểm lâm Ia Grai phát hiện và bắt giữ 35 lóng gỗ xẻ hộp có đường kính từ 30 cm đến 60 cm, dài 2-5 mét gồm các loại gỗ dầu, bằng lăng, sao cát… với số gỗ sau khi đo đếm là 26 m3.

Trước đó, ngày 13-8, Hạt Kiểm lâm Ia Grai phối hợp cùng Đội Kiểm lâm Đặc nhiệm-Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai tiến hành kiểm tra tại Doanh nghiệp tư nhân Văn Khang (địa chỉ thị tứ Ia Krái thuộc xã Ia Krái). Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 275,319 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ có đường kính 20-50 cm, bao gồm các loại gỗ: dầu, sến, gõ, sao cát… không có hồ sơ nguồn gốc và 166,408 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại chưa xác định được chủng loại. Mới đây, UBND tỉnh ra Quyết định số 920/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân Văn Khang đã mua 5,454 m3 gỗ xẻ chủng loại sao xanh, chò và 8,670 m3 gỗ tròn chủng loại trâm trái với quy định của Nhà nước. Hình phạt bổ sung là tịch thu 5,454 m3 gỗ xẻ chủng loại sao xanh, chò và 8,670 m3 gỗ tròn chủng loại trâm là tang vật của vụ vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đồng thời, xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Văn Khang 6 triệu đồng với hành vi vi phạm thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng rừng. Tổng mức xử phạt là 156 triệu đồng.

Theo ông Châu Văn Chữ-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ia Grai thì thời gian này trên địa bàn huyện phát hiện nhiều vụ là do gỗ vận chuyển từ huyện Ia H’Drai và Sa Thầy (Kon Tum) về huyện Ia Grai bằng đường sông. Hạt Kiểm lâm huyện đã bố trí lực lượng trên các trục đường chính 24/24 giờ, cùng phối hợp với lực lượng Biên phòng, Công an huyện và các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum để ngăn chặn nguồn gỗ khai thác trái phép từ Kon Tum về Gia Lai nhưng do địa bàn hiểm trở, lâm phần lại rộng nên lực lượng chức năng hai tỉnh khó kiểm soát.

Có thể bạn quan tâm