Gỡ khó trong lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân Bắc Giang

Gỡ khó trong lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân Bắc Giang
Yên Dũng là huyện thứ hai của tỉnh Bắc Giang tiến hành khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Đầu năm 2018, công tác khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử được huyện bắt đầu triển khai. Là địa bàn có dân số khá đông, do vậy, để đáp ứng nhu cầu khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, huyện đã phải huy động, nhờ sự hỗ trợ nhân lực từ Bệnh viện Đa khoa huyện, Bệnh viện Mắt quốc tế, các phòng khám chuyên khoa trên địa bàn huyện, tỉnh. Căn cứ vào đối tượng và tình hình địa phương, ngành chức năng của huyện phân chia thành 3 nhóm đối tượng, bố trí 112 điểm khám tại nhà văn hóa các thôn, tiểu khu, tổ dân phố và trạm y tế các xã, thị trấn để khám cho người dân. Sau đó, huyện tổ chức khám vét hai đợt vào các ngày cuối tuần để đảm bảo mọi người dân đều được khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Cuối năm 2018, huyện Yên Dũng đã hoàn thành lập hồ sơ khám sức khỏe điện tử cho người dân, với tổng số hồ sơ đã lập đạt trên 92%. Dữ liệu của hồ sơ đã kết nối với phần mềm khám sức khỏe, liên thông từ xã lên tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, người dân vẫn chưa được cấp mã số định danh để có thể tự tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh, tình trạng bệnh tật của bản thân.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng Nguyễn Văn Huấn, dù đã chia làm 3 nhóm đối tượng, bố trí các ngày khám phù hợp với từng nhóm, tuy nhiên do nhiều người đi làm ăn xa, người già không đến khám nên tỷ lệ khám chưa cao. Cùng với đó, việc cấp mã số định danh cho người dân chưa tiến hành vì đơn vị chức năng đang băn khoăn dựa vào số chứng minh thư hay số thẻ bảo hiểm y tế. Huyện sẽ dựa theo lộ trình để hoàn thành việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Năm 2017, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân với huyện đầu tiên thực hiện là huyện Yên Thế. Đến nay, hai huyện Yên Dũng và Yên Thế đã hoàn thành xong; đã kết nối liên thông với phần mềm khám chữa bệnh, phần mềm tiêm chủng cấp huyện, tỉnh. Tám huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe điện tử cho người dân. Trên thực tế, quá trình triển khai khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương có địa bàn rộng, dân số đông nên thiếu nhân lực để triển khai đồng loạt. Nhiều người đi làm ăn xa, nên kết quả đạt 100% là rất khó. Cùng với đó, trình độ một số nhân viên y tế còn yếu dẫn đến hồ sơ được lập chưa đầy đủ thông tin. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Từ Quốc Hiệu cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, do vậy,  địa phương gặp khó khăn trong việc xác định mã định danh cho người dân để thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh, với toàn quốc. Về vấn đề kinh phí, định mức thuê dịch vụ công nghệ thông tin chưa có quy định rõ nên khó thực hiện. Đồng thời, tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, hạ tầng công nghệ thông tin dù đã được quan tâm (mua máy tính, phần mềm) nhưng trang thiết bị máy móc còn lạc hậu. Nhân lực vận hành ở y tế cơ sở cần được đào tạo thêm.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Để việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử hoàn thành và sử dụng rộng rãi, hiệu quả, Bắc Giang cần tiếp tục triển khai các giải pháp liên quan đến vấn đề nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin. “Trước mắt, ngành Y tế Bắc Giang tiếp tục phấn đấu hoàn thành việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử.  Sở chỉ đạo các cơ sở y tế liên thông và sử dụng mã bảo hiểm y tế để làm mã định danh; đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cấp kinh phí bổ sung cho hoạt động nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ y tế", Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Từ Quốc Hiệu chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn mã định danh y tế, để mỗi người dân trên toàn quốc có một mã duy nhất; ban hành chuẩn kết nối giữa các phần mềm y tế với nhau; có quy chế khai thác sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng trong hồ sơ sức khỏe của người dân.

Để hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc, góp phần giảm tình trạng quá tải, tiến tới xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện và phát triển một nền y tế thông minh, ngoài sự nỗ lực, vào cuộc tích cực từ các địa phương, Bộ Y tế cần sớm ban hành các hướng dẫn liên quan đến hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.
Thúy Phương

Có thể bạn quan tâm