Gò Công Đông phát triển nghề biển truyền thống

Gò Công Đông phát triển nghề biển truyền thống

Với 21,2 km bờ biển và có 2 cửa sông lớn là Soài Rạp và Cửa Tiểu, Gò Công Đông có nghề khai thác biển truyền thống từ lâu đời, góp phần giải quyết việc làm cho ngư dân vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Gò Công Đông phát triển nghề biển truyền thống ảnh 1Vùng nuôi nghêu ở biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang mỗi ngày thu hút từ 3.000 - 4.000 lao động từ các xã ven về cào nghêu. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Địa phương hiện có đội tàu đánh bắt 853 phương tiện, với gần 5.300 lao động trực tiếp trên biển. Ngư trường khai thác là Trường Sa, nhà giàn DK1, Nam Côn Sơn và biển Tây...

Trong quí I/2023, huyện đã khai thác được gần 14.000 tấn hải sản các loại. Gò Công Đông phấn đấu trong năm 2023, đạt sản lượng khai thác biển gần 60.000 tấn hải sản các loại phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn cho biết, do đặc thù về vị trí địa lý kinh tế, địa phương có tiềm năng rất lớn về phát triển mũi nhọn đánh bắt hải sản. Thị trấn Vàm Láng cũng như các xã ven biển như: Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước, Tân Phước… đều có nghề biển truyền thống từ lâu đời, góp phần giải quyết lao động, việc làm và thu nhập cho người dân miền biển nhiều khó khăn.

Định hướng trong phát triển mũi nhọn khai thác hải sản của Gò Công Đông là chuyển đổi ngành nghề, giảm dần các nghề ven bờ, tập trung vươn ra khơi xa khai thác nguồn lợi, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương vừa phát triển bền vững nghề đánh bắt hải sản truyền thống.

Bên cạnh đó, địa phương chú trọng liên kết sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác khai thác hải sản, giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả vừa giúp nhau, cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn, sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động trên các ngư trường khơi xa.

Thực hiện mục tiêu trên, đến nay, Gò Công Đông đã thành lập được 2 hợp tác xã khai thác hải sản tại hai địa bàn trọng điểm là thị trấn Vàm Láng và xã Kiểng Phước, thu hút hàng trăm ngư dân. Đồng thời, huyện cũng thành lập được 32 tổ hợp tác khai thác biển ở các xã Kiểng Phước, Tân Tây, Tân Phước và thị trấn Vàm Láng với gần 200 ngư dân.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Gò Công Đông, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển mang lại hiệu quả thiết thực.

Đó là tập hợp ngư dân vào con đường làm ăn hợp tác, tương trợ và giúp đỡ nhau khi hoạt động đánh bắt trên biền, giảm được chi phí sản xuất, kéo dài thời gian đánh bắt vừa tương trợ nhau khi có bão tố, giông lốc hoặc sự cố xảy ra trên biển.

Gần đây, để đảm bảo cho nghề biển truyền thống hội nhập mạnh mẽ, Gò Công Đông triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện Kế hoạch 180 ngày cao điểm để gỡ thẻ vàng EC mà mục tiêu phấn đấu đến tháng 5/2023 phải kiểm soát 100% tàu cá đều gắn thiết bị giám sát hành trình và tuân thủ qui định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo đó, UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng Kiểng Phước tăng cường tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về ý thức tôn trọng, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác hải sản trên biển.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của quốc tế về khai thác hải sản cũng như đảm bảo an ninh, trật tự khi hành nghề trên biển.

Đặc biệt, nâng cao ý thức của chủ phương tiện, thuyền viên, ngư dân, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng phòng, chống khai thác IUU; giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn triệt để và chấm dứt tình trạng ngư phủ, phương tiện vi phạm đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo báo cáo của UBND huyện Gò Công Đông, hiện nay, 100% phương tiện đánh bắt xa bờ của địa phương đều đã lắp đặt thiết bị VMS để theo dõi, kiểm soát, giám sát quá trình hoạt động trên biển. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện được yêu cầu thường xuyên mở thiết bị VMS để theo dõi. Các phương tiện có nguy cơ vượt ranh giới trên biển đều được các cơ quan hữu quan kêu gọi, nhắc nhở kịp thời.

Các trường hợp mất kết nối trên 3 ngày, UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo các địa phương và ngành quản lý lập biên bản, xác định nguyên nhân mất kết nối và yêu cầu các chủ phương tiện cam kết không vượt ranh giới cấm, đồng thời báo cáo vị trí khai thác hàng ngày để theo dõi, kiểm tra.

Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, tại địa phương, chưa ghi nhận trường hợp phương tiện đánh bắt vi phạm.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm