Giữ thương hiệu hồ tiêu Phú Quốc

Vườn tiêu tại huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Vườn tiêu tại huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước mà ở đây còn có những "đặc sản" nổi tiếng; trong đó phải kể đến tiêu hạt với thương hiệu lâu đời. Thế nhưng, việc ồ ạt chuyển đổi mục đích đất sản xuất hồ tiêu sang đất ở và giá tiêu hạt sụt giảm đang khiến người trồng tiêu rơi vào cảnh lúc thăng, lúc trầm.

Thăng trầm với nghề trồng tiêu truyền thống

Theo bà Trần Thị Hồng - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, toàn huyện hiện có 390 ha tiêu, sản lượng đạt 675 tấn/năm. Cây tiêu ở huyện đảo có lúc thăng trầm nhưng người trồng vẫn giữ vững diện tích, có thời điểm tăng rất cao.

Năm 2010, toàn huyện có khoảng 717 hộ sản xuất tiêu với tổng diện tích gần 300 ha, sản lượng thu hoạch đạt 879 tấn. Giá tiêu bán ra đạt từ 70.000 - 80.000 đồng/kg đã thúc đẩy nông dân quan tâm đầu tư phát triển, duy trì nghề sản xuất tiêu của địa phương. Đến năm 2015, giá tiêu vẫn tiếp tục tăng, đây là điều kiện thúc đẩy người nông dân bám vườn và dần mở rộng diện tích cây tiêu với 502 ha, tăng 147 ha, sản lượng đạt 1.230 tấn, tăng 351 tấn so với năm 2010.

Giữ thương hiệu hồ tiêu Phú Quốc ảnh 1 Nông dân huyện đảo Phú Quốc thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Không chỉ trồng tiêu bán hạt, nhiều nông dân ở huyện Phú Quốc phát triển theo hướng dịch vụ du lịch, giúp du khách có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm cách trồng hồ tiêu trên huyện đảo. Cùng đó, nhiều sản phẩm từ tiêu được chế biến đa dạng như: muối tiêu, muối hồng tiêu, tiêu ngào đường, ngâm dấm, nước sốt tiêu xanh, đen... Nhờ đó, sản lượng tiêu tiêu thụ tại huyện đảo khoảng 80% cho khách du lịch thông qua du lịch nhà vườn, chợ đêm, các khu du lịch..., còn lại xuất bán các tỉnh trong nước.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, giá tiêu không ổn định. Thời điểm thấp nhất, nhà vườn bán cho thương lái khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg tiêu đen, 120.000 đồng/kg tiêu đỏ khiến đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Tuy giá tiêu giảm mạnh so với những năm trước nhưng đa phần lượng tiêu của huyện chủ yếu bán phục vụ cho du khách làm quà; đồng thời, phát triển loại hình dịch vụ kết hợp nhà vườn. Giá tiêu bán ra ở các nhà vườn, điểm du lịch giá cao hơn bán cho thương lái nhưng vẫn được du khách chấp nhận được vì chất lượng tiêu Phú Quốc rất tốt.

Ông Lê Thanh Huy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cửa Dương cho biết, thời điểm cao nhất, xã có trên 200 ha diện tích cây tiêu nhưng nay giảm xuống chỉ còn khoảng 132 ha của gần 200 hộ. Nguyên nhân là giá hạt tiêu không ổn định, có thời điểm xuống dưới 40.000 đồng/kg nhưng không có thương lái đến mua, người dân phải tự tìm nơi tiêu thụ. Người trồng tiêu không có lãi, thậm chí lỗ chi phí đầu tư.

Do đó, chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mở rộng diện tích làm du lịch sinh thái vườn kết hợp tham quan mô hình vườn tiêu. Theo đó, đã có 15 hộ trên địa bàn xã Cửa Dương thực hiện theo mô hình này, diện tích vườn tiêu giờ đã tăng trở lại gần 200 ha.

Ông Đặng Thế Hải, ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương cho hay, ngoài việc mở dịch vụ du lịch vườn sinh thái để khách tham quan, việc tiêu thụ tiêu hạt cũng tăng lên. Khi khách du lịch đến tận nhà vườn tham quan mô hình trồng tiêu, trải nghiệm thì thường thích mua sản phẩm về dùng hoặc làm quà biếu.

Ngoài việc mở dịch vụ du lịch nhà vườn, ông Hải còn trồng xen sầu riêng trong vườn tiêu nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích. Theo ông Hải, khi giá tiêu hạt sụt giảm, nhiều nông dân ở địa phương đã chuyển trồng các loại cây khác hoặc trồng để cầm chừng chờ giá tiêu tăng chứ họ không chăm sóc dẫn đến năng suất sụt giảm.

Nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất

Bà Trần Thị Hồng - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện cho biết, huyện Phú Quốc đã kết hợp với Công ty Dược Domeco nghiên cứu về giống, trồng theo mô hình ghép gốc trần Nam Mỹ leo trụ sống (cây mũ trôm); trồng giống tiêu vô tính (trồng băng dây) và hữu tính (gieo hạt) trên cây tiêu.

Giữ thương hiệu hồ tiêu Phú Quốc ảnh 2Vườn tiêu tại huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Bên cạnh đó, huyện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác ứng dụng trên cây hồ tiêu; phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai đề án ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây tiêu và xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn GAP được 5 hộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc. Hiện trên 70% hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện đã thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt.

Nghề trồng tiêu ở huyện đảo đã có hàng trăm năm và đã trở thành một trong những nghề truyền thống của huyện. Các giống tiêu chủ yếu là giống địa phương gồm Hà Tiên, Phú Quốc chiếm 80 - 90%. Phần lớn giống tiêu địa phương có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Hạt tiêu Phú Quốc nổi tiếng cả trong và ngoài nước với vị cay, thơm nồng. Cây tiêu Phú Quốc phân bổ tập trung ở khắp các xã, thị trấn trên đảo, nhưng tập trung nhiều nhất ở hai xã thuộc vùng bắc đảo là Cửa Dương với gần 200 ha, Cửa Cạn khoảng hơn 77 ha.

Với định hướng phát triển Phú Quốc theo hướng du lịch, những năm qua, Phú Quốc không chỉ xây dựng hồ tiêu để phát triển du lịch mà nhiều loại hình khác cũng được hình thành như sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ, du lịch.

Trên địa bàn có 21 mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp - thủy sản với 57 điểm như: sản xuất giống gà ri vàng tại nông hộ, nuôi gà nòi lai thương phẩm; nuôi cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú trân châu, cá khế vằn... lồng bè trên biển; trồng rau thủy canh, rau ăn lá, cây ăn trái; trồng sầu riêng, măng tây, mãng cầu ta, dừa xiêm lùn…

Giữ thương hiệu hồ tiêu Phú Quốc ảnh 3Vườn tiêu tại huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Hiện Phú Quốc tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch có vi mô được người dân quan tâm như: trồng rau trong nhà màng, trồng rau thủy canh, nấm linh chi trong nhà kính… Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm từ các loài cây được trồng nhiều tại Phú Quốc như tiêu, sim rừng thành sản phẩm để phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, một số mô hình nông nghiệp nhà vườn, các cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp tham quan du lịch, ăn uống bước đầu được người dân địa phương quan tâm đầu tư, phát triển, nhân rộng.

Riêng hồ tiêu Phú Quốc được huyện tiếp tục định hướng giữ vững diện tích và phát triển thêm. Cụ thể, theo phê duyệt huy hoạch nông nghiệp của UBND huyện năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là 400 ha, sản lượng 1.000 tấn/năm để phục vụ khách du lịch thông qua nhà vườn, chợ đêm, các khu du lịch… Huyện sẽ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm