Giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi

Giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi

Để Di sản nghệ thuật bài chòi không bị mai một, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập nhiều câu lạc bộ, nhóm bài chòi và đưa bài chòi vào trường học… Nhờ đó, trải qua bao thăng trầm, bài chòi đang được gìn giữ, trao truyền đến thế hệ trẻ.

Giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi ảnh 1Lệ Huyền - Hội viên CLB biểu diễn tại lễ đón chào năm mới 2022. Ảnh: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn

Là thành viên lớn tuổi nhất của Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành, ông Đào Ngọc Chúng (82 tuổi, xã Hành Thịnh) vẫn luôn nhiệt huyết biểu diễn và truyền dạy bài chòi cho con cháu, thế hệ trẻ tại địa phương. Ông Chúng cho hay, trước đây, ông từng tham gia đội văn công huyện, thường xuyên biểu diễn các làn điệu dân ca, bài chòi để khích lệ tinh thần các cán bộ, chiến sĩ. Đến thời bình, dùng lời ca tiếng hát để động viên, khích lệ nhân dân hăng say lao động, sản xuất.

Từ ngày Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện được thành lập, ông Chúng trở thành hạt nhân tiên phong trong các buổi diễn tập, biểu diễn. "Với tôi, hát bài chòi không chỉ là đam mê mà nó còn là lẽ sống. Ngoài việc tham gia biểu diễn với Câu lạc bộ, tôi còn truyền dạy cho các thê hệ trẻ và tìm tòi, thu thập, chỉnh biên các lời hát bả trạo, bài chòi để làm phong phú, đa dạng trong cách trình diễn", ông Đào Ngọc Chúng chia sẻ.

Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành được thành lập vào tháng 12/2020, đã góp phần khơi dậy niềm đam mê bài chòi, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương. Phó trưởng Phòng Văn hóa Thể thao huyện Nghĩa Hành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết, ban đầu Câu lạc bộ có 30 thành viên, đến nay đã phát triển lên 46 thành viên, trong đó thành viên nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi, lớn nhất 82 tuổi. Từ ngày thành lập đến nay, Câu lạc bộ đã tổ chức hàng chục đợt biểu diễn văn nghệ, tham gia các hội thi tại huyện, tỉnh.

Giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi ảnh 2Tốp nữ CLB biểu diễn làn điệu dân ca Hò chèo thuyền - Lý vãi chài. Ảnh: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn

Câu lạc bộ đã sưu tầm được 15 làn điệu dân ca, 6 tác phẩm bài chòi và bài mẫu dùng để hô bài chòi; sáng tác, đặt lời mới cho một số làn điệu dân ca - bài chòi; phát hành 100 tập sách "Sưu tầm, biên soạn một số làn điệu dân ca, tác phẩm bài chòi và bài mẫu hô bài chòi" dùng để sinh hoạt Câu lạc bộ. Câu lạc bộ đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Huyện Đoàn tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên mầm non, giáo viên âm nhạc và các bạn đoàn viên thanh niên với mong muốn đưa các làn điệu dân ca lan tỏa mãnh mẽ đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Từ năm 2019, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, đã linh hoạt lồng ghép dạy hát bài chòi vào tiết âm nhạc địa phương. Cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, giáo viên âm nhạc của Trường thông tin, sau khi được tập huấn hát bài chòi do huyện tổ chức, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi đã triển khai thí điểm ở hai khối lớp 7 và lớp 9. Lúc mới giảng dạy gặp không ít khó khăn, bởi đây là loại hình âm nhạc rất khó, nhất là những từ luyến láy. Lời ca, giai điệu của bài chòi chủ yếu ca ngợi về quê hương, đất nước, tình cảm vợ chồng, nghĩa anh em. Vậy nên, sau khi hiểu từ, giai điệu, các em rất thích thú với loại hình hát bài chòi. "Chúng tôi đưa bài chòi vào chương trình giáo dục địa phương, môn Âm nhạc và tất cả các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Hiện tại, Trường đã thành lập được một Câu lạc bộ bài chòi, với mục đích giúp các em hiểu được giá trị của thể loại dân ca này, truyền đam mê cho học sinh, góp phần giữ gìn bài chòi" cô Nguyễn Thị Thanh Hằng cho hay.

Đến nay, huyện Mộ Đức đã có 10 trường Trung học Cơ sở dạy dân ca bài chòi cho học sinh thông qua việc lồng ghép. Theo Trưởng Phòng Văn hóa Thể thao huyện Nguyễn Việt Cường, huyện Mộ Đức đã mở các lớp tập huấn dạy dân ca bài chòi cho giáo viên dạy âm nhạc trên địa bàn huyện. Từ lúc đưa bài chòi vào trường học, nhiều học sinh có năng khiếu với bộ môn này được phát hiện, bồi dưỡng, trở thành thành viên Câu lạc bộ bài chòi trong huyện. Định hướng của huyện thời gian tới là đưa bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có 7 huyện, thị xã, thành phố thành lập Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi. Các Câu lạc bộ đã góp phần đưa nghệ thuật bài chòi đến gần hơn với công chúng. Các địa phương đã mở các lớp truyền dạy hát dân ca bài chòi, cách thức tổ chức chơi bài chòi cho người dân. Ðiều đáng quý là các lớp dạy hát dân ca bài chòi có nhiều người trẻ theo học. Chính lời ca mộc mạc, dễ đi vào lòng người của bài chòi giúp các bạn trẻ càng học càng cảm thấy thích thú, quyết tâm gắn bó với bài chòi. Em Võ An Nhiên, ở huyện Lý Sơn, dù mới 9 tuổi đã tự tin thể hiện rất nhiều bài hát dân ca bài chòi như Lý Mô Ní, Lý Thiên Thai... Vốn có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, An Nhiên là một trong những thành viên nhỏ tuổi được thường xuyên biểu diễn trong các phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương. An Nhiên cho biết, qua các làn điệu dân ca của mẹ, của bà mà em hát theo rồi đam mê với bài chòi. Em sẽ tiếp tục học thêm nhiều làn điệu, cách hát, hô bài chòi.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Tiến Dũng, ngành Văn hóa các cấp đã tổ chức nhiều hội thi, liên hoan nghệ thuật bài chòi. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, tại các địa phương vùng biển đều diễn ra hội bài chòi. Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên trên địa bàn tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật bài chòi. Bên cạnh phục vụ nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong nhân dân, còn phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân biểu diễn nghệ thuật bài chòi để đào tạo, phát triển lực lượng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa.

"Để giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật bài chòi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng Ðề án Bảo tồn, phát huy Di sản bài chòi Quảng Ngãi trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Đề án tập trung nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá tổng thể giá trị Di sản bài chòi để phát hành rộng rãi đến công chúng; đào tạo những giáo viên dạy âm nhạc, người có năng khiếu ca hát thành hạt nhân hát bài chòi; hình thành và phát triển thêm các đội, nhóm, Câu lạc bộ hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết nghệ thuật này với phát triển du lịch. Quảng Ngãi sẽ tổ chức truyền dạy bài chòi trong trường học thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy âm nhạc...", ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm