Giữ gìn nét đẹp trang phục dân tộc Dao tiền

Giữ gìn nét đẹp trang phục dân tộc Dao tiền
Xóm Bản Chang,  xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) có 43 hộ dân sinh sống, 100% là dân tộc Dao tiền; đây cũng là 1 trong những xóm tiêu biểu vẫn giữ gìn được nghề làm trang phục truyền thống dân tộc. Đội ngũ cán bộ xã luôn đề cao và khuyến khích bà con gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Một trong những người tích cực truyền lại kinh nghiệm cho các thế hệ sau cách thêu và vẽ những hoa văn cho bộ trang phục đặc sắc của người Dao tiền là bà Bàn Thị Chệch, năm nay 60 tuổi, ở Bản Chang, xã Thành Công.
Trang phục của những cô gái Dao tiền.
Trang phục của những cô gái Dao tiền.
Vốn dĩ đam mê và yêu thích những bộ trang phục của đồng bào mình, từ bé bà Chệch đã theo mẹ học thêu. Bà quan niệm: "Mình là người Dao, phải giữ lấy nét văn hóa của dân tộc mình”. Đã có biết bao cô gái dân tộc Dao tiền xóm Bản Chang này lớn lên, đi lấy chồng được đôi bàn tay khéo léo của bà Chệch may và thêu những bộ trang phục dân tộc trong ngày cưới. Mảnh vải được nhuộm chàm thô rám nhưng qua đôi tay bà Chệch  trở nên hấp dẫn và mềm mại. Bà Chệch cho biết: Bộ trang phục của dân tộc người Dao tiền được thêu hoa văn ở tà áo, lưng áo, gấu áo, cổ áo. Ý thức bảo vệ và gắn bó với thiên nhiên được thể hiện rất rõ trong các hoa văn được thêu trên trang phục truyền thống, nhất là trang phục nữ”.
 
Các hoa văn chủ đạo trong trang phục truyền thống của người Dao tiền phản ánh sâu sắc tình yêu thiên nhiên, cây cỏ như hình cây lúa, hoa mặt trời. Bên cạnh đó còn có các hình vật nuôi như: con chó, con gà… những con vật  gần gũi và thân thuộc với cuộc sống của người dân thể hiện cuộc sống ấm no, vui tươi, sung túc. Kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao tiền rất độc đáo. Người ta dùng bút vẽ thủ công bằng tre nhúng vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Vải sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn màu trắng do phủ lớp sáp ong nên không bị thấm màu chàm. Không chỉ tự tay làm, bà Chệch dạy các thanh niên trong xóm cách thêu và may trang phục để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Bà cầm tay từng cháu chỉ cho cách đặt mũi kim, cách thêu, cách vẽ các hình hoa văn từ đơn giản là hình quả trứng rồi đến các hình khó hơn như hình cây lúa, con chim. Bà Bàn Thị Chệch cũng như tất cả những người yêu văn hóa dân tộc đều có mong muốn được gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm