Giữ “căn cốt” và tạo dấu ấn cho đờn ca tài tử

Giữ “căn cốt” và tạo dấu ấn cho đờn ca tài tử
Ngày 7/4/2017, 21 mô hình nhà Không gian Đơn ca tài tử Nam bộ và Không gian ẩm thực Nam bộ được thi công tại công viên Thành phố mới Bình Dương, tỉnh Bình Dương, đã hoàn thành và giao cho 21 tỉnh tương ứng. Mỗi căn nhà rộng khoảng 55m2. Trong ảnh: Các mô hình nhà Không gian Đơn ca tài tử Nam bộ cách điệu theo hình trái măng cụt nhìn từ trên cao. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN
Ngày 7/4/2017, 21 mô hình nhà Không gian Đơn ca tài tử Nam bộ và Không gian ẩm thực Nam bộ được thi công tại công viên Thành phố mới Bình Dương, tỉnh Bình Dương, đã hoàn thành và giao cho 21 tỉnh tương ứng. Mỗi căn nhà rộng khoảng 55m2. Trong ảnh: Các mô hình nhà Không gian Đơn ca tài tử Nam bộ cách điệu theo hình trái măng cụt nhìn từ trên cao. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN
Báu vật đất Phương Nam

Người Bạc Liêu luôn tự hào với tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Và khi đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tỉnh Bạc Liêu đã “xung phong” đứng ra tổ chức sự kiện được xem là lớn nhất từ trước tới thời điểm đó - Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - năm 2014.  Với Bạc Liêu, đây là một festival chưa từng có tiền lệ để học hỏi, vì những festival ở các địa phương là những festival kinh tế (cà phê, trà, hoa, trái cây, lúa gạo, thủy sản…).

Với chủ đề “Tình người, tình đất phương Nam”, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất có 21 hoạt động chính, trong đó có 14 hoạt động gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Thành công của Festival lần thứ nhất không chỉ đem sức mạnh khẳng định sự trường tồn mà còn làm thăng hoa hơn giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Festival đã thu hút trên 300.000 lượt khách tham gia, trong đó có trên 50.000 lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú trong tỉnh, góp phần tăng doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh.

Cận cảnh các khu gian ẩm thực của các tỉnh. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN
Cận cảnh các khu gian ẩm thực của các tỉnh. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II do tỉnh Bình Dương tổ chức, với sự tham gia biểu diễn của hơn 70 nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu đến từ 21 tỉnh, thành phố.  

Đêm khai mạc có chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ - Báu vật đất phương Nam” sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 8-4-2017 tại Quảng trường Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Dương và một số Đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam.

Tổ chức không gian Đờn ca tài tử và không gian ẩm thực Nam bộ diễn ra hằng đêm từ ngày 8 đến 12-4 tại khu bờ hồ công viên thành phố mới Bình Dương. Ngoài ra, chương trình còn có Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử với chủ đề “Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam” diễn ra từ ngày 9 đến 11-4 tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Bình Dương. Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc “Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam”, chương trình họp mặt giao lưu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực đờn ca tài tử.

Cận cảnh các mô hình nhà Không gian Đơn ca tài tử Nam bộ cách điệu theo hình trái măng cụt. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN
Cận cảnh các mô hình nhà Không gian Đơn ca tài tử Nam bộ cách điệu theo hình trái măng cụt. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN

Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể 

Phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku (Azerbaijan) ngày 5-12-2013, đã công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.
 
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và âm nhạc của các tỉnh Nam Trung Bộ.

- Lịch sử hình thành: cuối thế kỷ XIX, các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống ca Huế vào vùng Nam Bộ. Trên đường đi, các nhạc sĩ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn cùng với giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã tiếp tục thay đổi, một số bài bản tuy cùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa so với ban đầu.

Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống tại miền Nam khiến cho các bài bản không y khuôn bản gốc. Người đàn, người ca cũng không muốn giữ nguyên như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm, khiến những bài bản đậm đà thấm thía hơn. Mặt khác do lòng luôn luôn nhớ thương cội nguồn nên các điệu của đờn ca tài tử đều phảng phất nỗi buồn và được người mộ điệu ưa thích.

Đến đầu thế kỷ XX, Đờn ca tài tử trở thành một phong trào ca nhạc phổ thông tại miền Nam, nhất là tại các địa phương như: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Mỹ Tho, Sài Gòn… Các nhóm tài tử khối miền Đông (vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và phụ cận) cùng với nhóm tài tử khối miền Tây (Vĩnh Long, Sa Đéc) cũng được hình thành. 

- Nghệ thuật biểu diễn: là một dòng nhạc thính phòng của Việt Nam, cách thức biểu diễn của đờn ca tài tử khá đặc biệt. Cùng được coi là dòng nhạc thính phòng nhưng trong ca trù và Nhã nhạc Huế người hát chính thường là phụ nữ. Trong Đờn ca tài tử, nghệ sĩ nam và nữ đều có vai trò bình đẳng, người đàn và người hát có vị trí tương đương nhau. 

Dàn nhạc của đờn ca tài tử có nhiều nhạc cụ hơn dàn nhạc của ca trù và ca Huế. Trước đây, dàn nhạc đờn ca tài tử sử dụng các loại nhạc cụ gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh song lang, ống tiêu. Khoảng từ năm 1920, lục huyền cầm (đàn ghi ta), hạ uy cầm và violon cũng được thêm vào trong dàn nhạc.

Đặc biệt, đờn ca tài tử thường được biểu diễn ngẫu hứng. Dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Chính vì sự khác biệt này mà mỗi lần nghe dù cùng một bài, người nghe vẫn luôn thấy mới lạ và hài hòa.

- Phạm vi di sản: Nghệ thuật đờn ca tài tử hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối; từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đờn ca tài; từng gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng mạnh từ những thập niên đầu thế kỷ XX… 

Hiện Bạc Liêu có gần 70 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử và trên 500 nghệ nhân, tài tử. Họ chính là những người kế thừa nghiệp đờn ca của thế hệ ông cha, để dòng chảy đờn ca tài tử trên đất Bạc Liêu nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung được xuyên suốt trong hành trình hội tụ và phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc.
[Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang điện tử Bạc Liêu, TTXVN]

Có thể bạn quan tâm