Giữ an toàn cho những cánh rừng

Giữ an toàn cho những cánh rừng

Trước tình hình mùa khô 2023 diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy nhằm giữ an toàn cho những cánh rừng trên địa bàn.

Giữ an toàn cho những cánh rừng ảnh 1Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có diện tích khoảng 2.800ha. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Tăng tuần tra, bảo vệ rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) là nơi có diện tích đất có rừng lớn nhất trong tỉnh với gần 1.500 ha, chiếm khoảng 40% diện tích đất có rừng toàn tỉnh.

Hơn 10 năm qua, Khu bảo tồn không để xảy ra cháy rừng. Để đạt được kết quả trên, Khu bảo tồn thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm ứng phó tốt nhất với mọi tình huống.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết, ngay từ đầu mùa khô, khu bảo tồn đã chủ động xây dựng kế hoạch và lên phương án cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại đơn vị sát với tình hình thực tế; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ ngày 24/3, Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh có thông báo nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp thấp (cấp I) lên cấp cao (cấp III) trên tất cả các khu rừng trong tỉnh, Khu bảo tồn thực hiện siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo kế hoạch.

Theo đó, các lực lượng trong Khu bảo tồn tăng cường tuần tra, kiểm soát dưới mặt đất và trên tháp canh, nhất là ở những khu vực trọng điểm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc người dân vào rừng trái phép; kiểm tra độ ẩm, độ khô của lớp thực bì và dây leo trên các khu rừng. Qua đó, cán bộ chuyên môn tiến hành khoanh vùng trọng điểm để tập trung cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả.

Giữ an toàn cho những cánh rừng ảnh 2Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Ông Nguyễn Hoàng Thọ, thành viên Đội bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, chia sẻ, do nắng nóng kéo dài trong thời gian qua nên tại nhiều khoảnh rừng của Khu bảo tồn, mực nước dưới chân rừng đã khô cạn làm cho các loại thực bì khô héo, rụng lá.

Lớp thực bì được tích tụ từ nhiều năm trước và cộng thêm năm nay nên đang tơi xốp, khô hanh với độ dày khá cao, từ đó dễ bắt lửa, nguy cơ gây cháy rừng cao. Trước tình hình trên, nhiều ngày qua, kể cả thứ bảy và chủ nhật, các thành viên trong đội tổ chức nhiều cuộc đi tuần tra tăng cường theo kế hoạch với quyết tâm giữ an toàn tối đa cho “lá phổi xanh” của tỉnh.

Trong cao điểm mùa khô, nguy cơ dẫn đến cháy rừng thường do người dân ở tại chỗ và các địa phương giáp ranh thường xuyên qua lại, có khi lén lút ra vào rừng khai thác lâm sản, sử dụng lửa đun, nấu, hút thuốc trong rừng và bất cẩn làm phát lửa trong rừng, ven rừng.

Do đó, bên cạnh công tác tuần tra, bảo vệ rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân các khu vực giáp ranh các cánh rừng khu bảo tồn thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ, (ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp), người dân sống ở vùng giáp ranh khu bảo tồn, chia sẻ: “Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Khu bảo tồn mà tôi và bà con nơi đây rất ý thức trong việc cùng chung tay với thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Khi đốt đồng để chuẩn bị gieo sạ lại sau mỗi vụ lúa hoặc làm những việc có sử dụng lửa lớn, bà con đều báo với cán bộ Khu bảo tồn để cán bộ xuống giám sát, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thì nông dân mới thực hiện. Ngoài ra, khi phát hiện có người vào rừng trái phép, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa khô thì bà con cũng báo ngay để Khu bảo tồn xử lý kịp thời”.

Ứng dụng công nghệ phòng, chữa cháy rừng

Để tăng hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát, phát hiện nhanh sự cố cháy rừng, năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được tỉnh đầu tư gần 500 triệu đồng lắp đặt camera tại các tháp canh. Đến nay, hệ thống đang phát huy hiệu quả cao trong phòng cháy, chữa cháy rừng.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thông tin, hiện nay, Khu bảo tồn đang phát huy tốt hiệu quả hệ thống camera quan sát. Hệ thống camera được lắp đặt phía trên 4 tháp canh, giúp quan sát bao quát toàn bộ khu rừng. Từ nhiều góc độ quan sát của 4 camera, giúp nhân viên của Khu bảo tồn phát hiện khói từ sớm và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra tại các khu rừng.

Ngoài ra, hệ thống camera cũng giúp tiết kiệm công sức của lực lượng ứng trực. Trước đây, ở 4 tháp canh phải có 8 người túc trực thường xuyên, hiện tại chỉ cần 2 người quan sát tại phòng máy là có thể bao quát hầu hết các vị trí.

Khu bảo tồn còn thường xuyên kiểm tra, vận hành các trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn trong tư thế sẵn sàng khi có sự cố xảy ra; phát dọn kênh, mương để khơi thông dòng chảy dẫn nước vào rừng và bơm nước tràn lên các khu rừng đang bị khô nước nhằm tạo độ ẩm dưới chân rừng.

Theo ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, so với mùa khô năm 2021 và 2022, mùa khô năm 2023 rất khắc nghiệt, các cánh rừng trên địa bàn cũng đã bước vào giai đoạn khô kiệt. Do đó, tỉnh đã nâng cấp cảnh báo cháy rừng từ cấp I lên cấp III.

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ kiểm tra để xác định cấp cảnh báo cháy rừng phù hợp thực tế; hướng dẫn các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 và xây dựng kế hoạch thực hiện phương án phòng cháy trong năm 2023; chỉ đạo các lực lượng kiểm lâm phối hợp chủ rừng và địa phương thực hiện tuyên truyền qua các cuộc họp, lồng ghép qua các buổi học của học sinh, tuyên truyền bằng loa phát thanh nhằm nâng cao ý thức người dân và cộng đồng sống gần rừng, ven rừng khi có hoạt động liên quan đến lửa để bảo đảm an toàn nhất, tránh xảy ra cháy.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng Hạt kiểm lâm các địa phương có rừng trong tỉnh thường xuyên cử cán bộ kiểm lâm xuống các chủ rừng để hỗ trợ nhiều mặt về thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên bản đồ để phục vụ công tác đi thực địa; ứng dụng công nghệ viễn thám (FIRMS), theo dõi thông tin thời tiết trên ứng dụng Windy và cập nhật hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên trang website của Cục Kiểm lâm để tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng kịp thời, phù hợp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết.

Tỉnh Hậu Giang có trên 5.541 ha đất rừng; trong đó, diện tích đất có rừng là trên 3.776 ha. Các chủ rừng trong tỉnh đã thành lập 6 Ban chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng; lực lượng chữa cháy chuyên trách của chủ rừng và kiểm lâm địa bàn có 88 thành viên và lực lượng quần chúng chữa cháy rừng có 777 thành viên.

Ngoài ra, tỉnh có 8 tháp canh kiên cố, 36 cống, đập trữ nước, 34 camera quan sát lửa rừng và người ra vào rừng cùng nhiều phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy rừng tại chỗ.

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm