Giữ ấm cho học sinh vùng cao Hà Giang trước đợt rét đậm, rét hại

Học sinh Trường Mầm non xã Pả Vi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được sưởi ấm bằng quạt sưởi. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Học sinh Trường Mầm non xã Pả Vi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được sưởi ấm bằng quạt sưởi. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Để bảo đảm sức khỏe và duy trì tỉ lệ chuyên cần của học sinh trong các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, các trường học tại Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp giữ ấm cho học sinh, nhất là bậc học Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở ở vùng cao, vùng có nền nhiệt độ thấp.

Giữ ấm cho học sinh vùng cao Hà Giang trước đợt rét đậm, rét hại ảnh 1Thầy Đỗ Văn Long, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) kiểm tra công tác giữ ấm cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Trong những ngày này, nền nhiệt độ tại các địa phương trên địa bàn huyện Mèo Vạc phổ biến từ 2-10 độ C. Rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và học tập của học sinh. Xín Cái là một trong những xã vùng cao biên giới có nền nhiệt thấp nhất trên địa bàn huyện Mèo Vạc.

Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Xín Cái có 843 học sinh, trong đó có 353 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Thầy Đỗ Văn Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đảm bảo sức khỏe và duy trì tỉ lệ chuyên cần của học sinh, ngay từ đầu năm học, trường đã rà soát, kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất, lớp học. Qua đó, đảm bảo tất cả các lớp học ở điểm trường chính và điểm trường lẻ đều có đầy đủ hệ thống cửa, điện chiếu sáng, thoáng mát vào mùa Hè, ấm áp vào mùa Đông. Đặc biệt, trong các đợt rét đậm, rét hại nhà trường tăng cường chăn ấm, tăng khẩu phần ăn cho học sinh bán trú.

Giữ ấm cho học sinh vùng cao Hà Giang trước đợt rét đậm, rét hại ảnh 2 Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Xín Cái, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) ăn cơm trưa tại trường. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Trường Mầm non xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc có 297 trẻ. Sau Tết Nguyên đán, sĩ số học sinh đảm bảo trên 95%. Trong những ngày rét đậm, rét hại, tại các lớp đều có quạt sưởi, trẻ được mặc ấm hằng ngày, chỗ ngủ được trang bị chiếu, đệm, chăn ấm.

Cô Tẩn Thị Lèn, chủ nhiệm lớp 5 tuổi của trường cho biết, hàng ngày các giáo viên nhắc nhở phụ huynh giữ ấm cho con mỗi khi đến lớp. Để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, nhà trường thường xuyên tuyên truyền phụ huynh đeo khẩu trang, sát khuẩn và mặc quần áo đủ ấm cho trẻ. “Đối với những ngày nhiệt độ xuống thấp, thời gian đón trẻ kéo dài hơn 30 phút so với ngày thường, đồng thời hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời, bật quạt sởi ấm cho trẻ” - cô Lèn chia sẻ.

Giữ ấm cho học sinh vùng cao Hà Giang trước đợt rét đậm, rét hại ảnh 3Học sinh Trường Mầm non xã Pả Vi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được sưởi ấm bằng quạt sưởi. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Huyện Mèo Vạc hiện có 56 trường học, với trên 26.000 học sinh. Để đối phó với các đợt rét đậm, rét hại và giúp các trường học chủ động phòng tránh rét, ngành Giáo dục huyện đã có công văn hướng dẫn các trường chủ động ứng phó trước các đợt rét xảy ra.

Theo ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc đơn vị đã yêu cầu các cơ sở giáo dục cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết. Các trường nơi có nhiệt độ xuống thấp chủ động cho học sinh nghỉ học và tổ chức dạy học khi thời tiết ấm trở lại. Các trường học có học sinh bán trú phải thường xuyên kiểm tra phòng ở của học sinh, có biện pháp chống gió lùa. Đối với các phòng ở của học sinh tại các điểm trường, phòng yêu cầu các trường phải đảm bảo đủ ấm. Các trường có học sinh bán trú phải bảo đảm các em ăn đủ no, đủ chất, uống nước ấm để đảm bảo sức khỏe.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm