Giới thiệu trên 500 hiện vật đặc sắc khai quật từ những con tàu cổ ở Việt Nam

Giới thiệu trên 500 hiện vật đặc sắc khai quật từ những con tàu cổ ở Việt Nam
Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15-18 được tuyển chọn trong bộ sưu tập di sản gốm sứ từ các con tàu đắm mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và bảo quản. Trưng bày gồm bốn nội dung chính: “Biển Việt Nam và thương mại đường biển”, “Đồ gốm thương mại Việt Nam”,  “Con đường tơ lụa trên biển”, “Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam”.
 
Hiện vật được trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Hiện vật được trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Ông Đoàn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết: Điểm mới, đặc biệt của đợt trưng bày lần này là được thực hiện trên diện tích lớn nhất với 600m2. Ngoài hiện vật từ những con tàu đắm cổ thì Ban tổ chức còn giới thiệu đến công chúng những dấu tích lò, phế phẩm trong quá trình sản xuất gốm ở khu sản xuất gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương). Ngoài ra, Ban tổ chức giới thiệu sự phục hưng của dòng gốm sứ Chu Đậu trong cuộc sống hiện đại với những sản phẩm đặc sắc nhất.
 
Một góc không gian trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Một góc không gian trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Các hiện vật cổ được tập trung giới thiệu tại cuộc trưng bày lần này là hiện vật khai quật được từ vùng biển Cù Lao Chàm, trong đó điểm nhấn là bộ sưu tập “Thủy thủ đoàn” của con tàu cổ Cù Lao Chàm. Đây là lần đầu tiên những hiện vật khai quật từ con tàu được công bố đầy đủ, rộng rãi tới công chúng, bao gồm cả di cốt người, đồ dùng, vật dụng của thủy thủ. Ngoài ra, còn có các tư liệu, bản đồ, thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam vào thương mại  đường biển quốc tế từ thế kỷ 15-16 nhằm giúp công chúng, bạn bè quốc tế hiểu được vị thế, vai trò của gốm xuất khẩu Việt Nam cũng như vai trò thương mại, đường biển Việt Nam.

Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao thương quốc tế trên biển, với đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, dọc theo bờ biển phía Đông - Đông Nam và Tây Nam. Đây là vùng biển rộng lớn nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển. Bằng chứng là gần 30 năm qua, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam, trong đó có sáu con tàu mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia trực tiếp tham gia, chủ trì nghiên cứu, khai quật, bổ sung nguồn tài liệu, hiện vật quý giá.
 
Hiện vật được trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Hiện vật được trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường nêu rõ: Thế giới đã nghiên cứu khảo cổ học dưới nước từ rất lâu, nhưng Việt Nam mới có khoảng 20 năm gần đây. Đến nay duy nhất chỉ có Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tiến hành khai quật các con tàu dưới biển, hay nói cách khác là tiến hành khảo cổ học dưới nước. Hiện nay ở Dung  Quất Bảo tàng đang thực hiện khai quật con tàu cổ thứ bảy. 

Trong thời gian qua Bảo tàng đã hợp tác với Viện Di sản biển quốc gia Hàn Quốc tiến hành đào tạo nhân lực cho ngành khảo cổ học dưới nước, công tác bảo quản, nghiên cứu về di sản văn hóa trên biển, đã xuất  bản “Nghề truyền thống trên biển Việt Nam”  bằng tiếng Việt, tiếng Hàn. Hiện tại Bảo tàng đang cùng đối tác Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu các thương cảng cổ ở Việt Nam từ Vân Đồn đến Cà Mau, Kiên Giang… Cùng với đào tạo nhân lực tiếp cận khảo cổ học dưới nước, Bảo tàng tiến hành nghiên cứu ở cảng biển gắn với khai quật khảo cổ học dưới nước, trong tương lai gần sẽ có Trung tâm nghiên cứu, khai quật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia…

Cuộc trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia kéo dài đến ngày 18/5/2019.
 
Thanh Giang
TTXVN

Có thể bạn quan tâm