Giới khoa học nhận định cần phát triển các vaccine nhắm mục tiêu vào những phần ít đột biến của virus SARS-CoV-2

Giới khoa học nhận định cần phát triển các vaccine nhắm mục tiêu vào những phần ít đột biến của virus SARS-CoV-2

Các nhà virus học và các nhà miễn dịch học hàng đầu nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron với số lượng đột biến cao là một lời cảnh tỉnh để giới khoa học và các nhà sản xuất phát triển các loại vaccine nhắm vào những phần ít đột biến của virus SARS-CoV-2.

Giới khoa học nhận định cần phát triển các vaccine nhắm mục tiêu vào những phần ít đột biến của virus SARS-CoV-2 ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường của hãng Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters (Anh), hầu hết các vaccine ngừa COVID-19 thế hệ đầu tiên đều nhắm mục tiêu tăng đột biến protein trên bề mặt protein gai mà virus dùng để bám vào và lây nhiễm sang các tế bào của con người. Tuy nhiên, dữ liệu mới cho thấy mức độ phòng bệnh giảm dần kể cả ở những người đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Ngay cả khi các liều vaccine vẫn còn hiệu quả, thì sự phát triển của virus vẫn cho thấy vaccine cần nhắm mục tiêu vào các phần ít đột biến của virus.

Tiến sĩ Larry Corey, nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở thành phố Seattle, người đang giám sát các thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 do Chính phủ Mỹ bảo trợ, nhận định: “Một bài học rõ ràng rút ra từ Omicron đó là virus sẽ không biến mất. Do vậy, cần có vaccine tốt hơn”.

Nhà dịch tễ học người Mỹ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), nhận định rằng với việc là công cụ phản ứng nhanh, vaccine ngừa COVID-19 hiện đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có thêm nhiều điều cần làm và cần thêm nguồn tài chính để phòng ngừa và ứng phó với nguy cơ dài hạn. Vào tháng 3, CEPI đã huy động được 200 triệu USD tiền tài trợ để phát triển các loại vaccine giúp tăng khả năng phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 và các virus khác gây bệnh đường hô hấp như MERS và SARS. Hiện tổ chức này đang đầu tư 4,3 triệu USD cho MigVax Corp, một chi nhánh của Viện nghiên cứu Migal Galilee (Israel), để phát triển vaccine dạng uống. Bên cạnh đó, CEPI cũng đầu tư 5 triệu USD cho Tổ chức chủng ngừa và bệnh truyền nhiễm của Đại học Saskatchewan. Cả hai đơn vị này đều đang trong giai đoạn đầu phát triển vaccine tiềm năng ngăn ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2. Chưa dừng lại tại đó, CEPI cũng đang đầu tư 26 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu vaccine mRNA tự khuyếch đại do công ty công nghệ sinh học Gritstone Bio của Mỹ thực hiện nhằm ngăn chặn các biển thể.
Trước đó, ngày 3/12, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan nhận định vaccine thế hệ tiếp theo là cần thiết và cho biết các nhà khoa học của cơ quan này đang không ngừng hỗ trợ việc nghiên cứu vaccine như vậy.

Một số nhóm chuyên gia và các công ty đã bắt đầu nghiên cứu, phát triển các vaccine có khả năng bảo vệ cao hơn, chẳng hạn như những vaccine nhắm mục tiêu vào các bộ phận của virus cần cho sự biến đổi và tồn tại của chúng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng có thể sẽ mất hơn 1 năm và cần nguồn tài trợ lớn để đạt được thành công.

Tiến sĩ Dan Barouch, nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Harvard, người đã giúp điều chế vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson, cho rằng việc điều chế ra một loại vaccine mới “chắc chắn là một nỗ lực xứng đáng". Tuy chưa thể một sớm một chiều sáng chế được vaccine ngăn chặn biến thể Omicron, nhưng một loại vaccine tiềm tàng có thể sẽ là lời giải cho biến thể tiếp theo.

Chủ tịch công ty dược phẩm Moderna, Stephen Hoge, cho biết nhà sản xuất này đang nghiên cứu một loại vaccine nhắm mục tiêu vào các phần của virus SARS-CoV-2 ít có khả năng đột biến. Để điều chế được loại vaccine như vậy sẽ cần thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trong nhiều tháng.

Ngoài ra, ông Hoge tiết lộ Moderna đang nghiên cứu một loại vaccine riêng để phòng ngừa biến thể Omicron, cũng như đang cân nhắc điều chế một loại khác có thể ngăn chặn 4 biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm