Giới khoa học Australia giải mã tác động đối với chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên

Giới khoa học Australia giải mã tác động đối với chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên

Nhiệt độ tăng cao đang đẩy nhanh chu trình tuần hoàn nước và gây ra các thảm họa thiên nhiên như hạn hán và lũ lụt, đó là kết luận được đưa ra trong báo cáo mới do các nhà nghiên cứu Australia thực hiện.

Được công bố ngày 24/2 trên tạp chí Nature, báo cáo trên nêu rõ nền nhiệt trung bình của Trái Đất đang ngày một gia tăng, theo đó đẩy nhanh chu kỳ tuần hoàn liên tục của nước trong các đám mây, đất liền và đại dương, dẫn tới điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn tại các khu vực trên thế giới: những vùng đất ẩm ướt sẽ ngày “ngậm nước” nhiều hơn, trong khi những vùng vốn khô hạn lại càng trở nên khô cằn.

Ông Taimoor Sohail – tác giả chính của báo cáo trên, đồng thời là nhà toán học làm việc tại Đại học New South Wales (UNSW) - cho biết phát hiện trên đã "vẽ nên bức tranh về những thay đổi lớn hơn đang xảy ra trong chu trình tuần hoàn nước toàn cầu".

Trước đây, những thay đổi đối với chu trình này rất khó quan sát trực tiếp, khi có tới khoảng 80% lượng mưa trên toàn cầu và nước bốc hơi xảy ra trên đại dương.

Theo ông Sohail, nhóm nghiên cứu của ông đã phân tích các dữ liệu từ năm 1970 đến năm 2014 để theo dõi các mô hình thay đổi của muối trong đại dương, để qua đó ước tính lượng nước biển đã di chuyển từ xích đạo đến các cực trong thời gian này.

Phát hiện mới của họ cho thấy lượng nước biển di chuyển nhiều hơn từ 2-4 lần so với dự đoán của các mô hình khí hậu. Các nhà nghiên cứu tin rằng lượng nước di chuyển từ xích đạo đến các cực trong những năm đó đã vượt quá dự đoán, lên tới 77.000 km3. Ông Sohail cho biết: "Chúng tôi đã biết chu kỳ tuần hoàn nước toàn cầu đang được đẩy nhanh, nhưng chúng tôi không nắm rõ nhanh tới chừng nào".

Trong khi đó, ông Jan Zika - đồng tác giả của báo cáo và là Phó Giáo sư thuộc trường Toán và Thống kê UNSW - cho biết hiện tượng nước bốc hơi ở các vùng ấm hơn đã “rút bớt” nước từ các đại dương, khiến nước biển ở khu vực này trở nên mặn hơn. Ở chiều ngược lại, "chu trình tuần hoàn nước đã đưa lượng nước đó đến các vùng lạnh hơn, tại đây nước rơi xuống dưới dạng hạt mưa, hòa vào đại dương và theo đó nước biển giảm bớt độ mặn".

Nhà khoa học Sohail đánh giá: “Những thay đổi đối với chu trình tuần hoàn nước có thể có tác động nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và đa dạng sinh học. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu cách thức mà tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động đến chu trình tuần hoàn nước hiện tại và trong tương lai. Việc thiết lập sự thay đổi trong quá trình nước di chuyển từ vùng ấm sang khu vực lạnh có nghĩa là chúng ta có thể sẽ đạt được nhiều bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời đưa ra những dự báo quan trọng về việc biến đổi khí hậu có khả năng ảnh hưởng như thế nào đến chu trình tuần hoàn nước toàn cầu”.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm