Giới chuyên gia lo ngại làn sóng dịch cúm sau COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia y tế cảnh báo đỉnh dịch cúm mùa có thể đã được dập tắt một cách nhân tạo thông qua các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19, làm tăng khả năng xảy ra một đợt bùng phát dịch hiếm gặp vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm nay.

Giới chuyên gia lo ngại làn sóng dịch cúm sau COVID-19 ảnh 1Một điểm tiên vaccine ngừa bệnh cúm và COVID-19 tại Monterey Park, California, Mỹ, ngày 14/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại London, mùa cúm 2020-2021 đặc biệt nhẹ ở hầu hết các nơi trên thế giới do những biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 khiến số ca mắc cúm giảm mạnh. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học lâu nay lo ngại thời kỳ gián đoạn vào năm ngoái có thể khiến thế giới mất khả năng miễn dịch cúm mùa và đối mặt với một đợt bùng phát nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có tới 650.000 người chết do các bệnh đường hô hấp liên quan đến cúm mùa.

Chuyên gia về virus corona và virus cúm tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu, Pasi Penttinen cho biết lợi ích phụ của các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn làn sóng dịch Omicron, như đeo khẩu trang và hạn chế đi lại, có thể đã giúp thế giới vượt qua đỉnh dịch cúm. Tuy nhiên, ông cảnh báo dịch cúm năm nay có nguy cơ sẽ kéo dài hơn bình thường.

Ông cho biết, cúm mùa hiếm khi xảy ra muộn hơn bình thường. Tuy nhiên, trong hai năm qua, dịch cúm đã không phát triển do các biện pháp y tế công cộng nhằm kiềm chế dịch COVID-19 khiến hành vi của mọi người thay đổi. Vì vậy, thực sự có khả năng cúm mùa có thể diễn ra muộn hơn trong năm nay. Ông lấy ví cụ về dịch cúm H1N1 bùng phát vào mùa Hè năm 2009 ngoài thời gian cúm mùa thông thường.

Bà Alicia Budd, nhà dịch tễ học thuộc nhóm giám sát dịch cúm trong nước tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ, đồng ý rằng có khả năng dịch cúm năm nay có thể đạt đỉnh muộn hơn thường lệ. Bà chỉ ra rằng các diễn biến ở Nam bán cầu đôi khi là dấu hiệu ban đầu về những gì sẽ xảy ra vài tháng sau ở Bắc bán cầu. Các quốc gia Nam Mỹ bao gồm Brazil, Chile, Paraguay và Uruguay hiện đang chứng kiến các ca cúm không theo mùa gia tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nguy cơ bùng phát đồng thời dịch cúm và COVID-19 ở Bắc bán cầu vào mùa Đông năm nay đang suy giảm, làm giảm gánh nặng cho các hệ thống y tế đang phải vật lộn với làn sóng Omicron siêu lây nhiễm và tình trạng tồn đọng điều trị các căn bệnh khác gây nên bởi làn sóng Delta trước đó.

Giới chuyên gia lo ngại làn sóng dịch cúm sau COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho đến nay, ít có dấu hiệu về sự gia tăng các ca mắc cúm, với các trường hợp được phát hiện và tỷ lệ dương tính vẫm ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, ông Penttinen nhận định vẫn còn "nhiều điều không chắc chắn và không rõ ràng về dữ liệu", chỉ ra rằng những thay đổi về dữ liệu do tác động của đại dịch có thể khiến số các ca mắc ở một số khu vực được báo cáo ít hơn thực tế.

Ông Penttinen cũng cho rằng vaccine ngừa cúm, được cải tiến hàng năm và được quảng bá thông qua các chiến dịch y tế công cộng ở một số quốc gia, giúp cung cấp một tuyến bảo vệ, song cảnh báo vaccine năm nay "có khả năng không đạt hiệu quả tối ưu" đối với chủng cúm H3N2 hiện đang chiếm ưu thế. Ông cho biết biến thể phụ này thực sự đáng quan ngại nhất vì gây hậu quả nghiêm trọng nhất ở người cao tuổi. Trong quá khứ, những đợt bùng phát dịch cúm ở châu Âu, đặc biệt tại các trại dưỡng lão, khiến một số quốc gia báo cáo "hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải".

Bà Budd cảnh báo dù tỷ lệ nhập viện do cúm vào giữa tháng 1 thấp hơn so với mức trước đại dịch, tỷ lệ ca mắc ở mỗi mùa cúm đôi khi khác nhau và còn quá sớm để công bố chắc chắn rằng 2021-2022 là năm có dịch cúm nhẹ.

Minh Hợp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm