Gìn giữ văn hóa dệt của buôn làng của phụ nữ thị trấn Krong Chro

Gìn giữ văn hóa dệt của buôn làng của phụ nữ thị trấn Krong Chro
Chị em hội viên thuộc Chi hội Liên hiệp phụ nữ làng Nghe Nhỏ tập trung dệt trước nhà để tranh thủ trao đổi, học hỏi các họa tiết hoa văn mới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Chị em hội viên thuộc Chi hội Liên hiệp phụ nữ làng Nghe Nhỏ tập trung dệt trước nhà để tranh thủ trao đổi, học hỏi các họa tiết hoa văn mới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Bà Trương Thị Hồng, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Krong Chro cho biết: Năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Krong Chro phối hợp với các trường nghề trên địa bàn mở lớp dạy dệt may cho phụ nữ trong chi hội với mong muốn khôi phục nghề truyền thống có từ lâu đời tại làng Nghe nhỏ. Tới nay, hầu hết phụ nữ đủ mọi lứa tuổi trong làng đều biết dệt. Đến làng Nghe nhỏ vào buổi trưa đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh các khung dệt dưới gốc cây trước hiên nhiều gia đình. Em Đinh Thị Ngỡ, 17 tuổi, làng Nghe Nhỏ, thị trấn Krong Chro, huyện Krong Chro cho biết em được mẹ truyền nghề dệt thổ cẩm và biết dệt từ năm 14 tuổi. Hiện tại em đã dệt được túi, khăn và quần áo với những họa tiết thổ cẩm của dân tộc Bahnar. Hè năm nay, bán các sản phẩm mình dệt được, ngoài số tiền đủ mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho năm học mới, em còn để dành được 5 triệu đồng. Để mô hình có sức lan tỏa rộng rãi, thông qua buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt cộng đồng, Chi hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krong Chro đã khuyến khích phụ nữ tại địa phương truyền nhau những kinh nghiệm, dạy cho nhau những đường dệt họa tiết, hoa văn sáng tạo, mới lạ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.
Chị em phụ nữ tranh thủ giờ nghỉ trưa để dệt thổ cẩm. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Chị em phụ nữ tranh thủ giờ nghỉ trưa để dệt thổ cẩm. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Bà Đinh Thị Nei, 82 tuổi, làng Nghe Nhỏ, cho biết: Trước đây làng Nghe nhỏ có truyền thống dệt thổ cẩm nhưng dần bị lãng quên bởi các loại quần áo may sẵn, các vật dụng được làm công nghiệp hóa. Từ khi Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm được thành lập lại trong làng vào năm 2015, mô hình được rất nhiều phụ nữ hưởng ứng, có nhiều sản phẩm đặc sắc đã được đưa ra thị trường. Mô hình hoạt động hiệu quả, vừa giữ gìn được nét truyền thống dân tộc bản địa, đồng thời giúp phụ nữ trong làng có thêm thu nhập ổn định. Sau thời gian nương rẫy, phụ nữ làng Nghe nhỏ tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi của mình để dệt. Số lượng người tham gia Câu lạc bộ ngày một đông. Ban đầu mô hình Dệt thổ cẩm này chỉ có 30 thành viên tại làng Nghe Nhỏ, nay đã được nhân rộng sang các làng khác với hàng trăm phụ nữ tham gia. Hiện, mỗi nhà trong làng đều có một khung dệt đơn giản. Phụ nữ nơi đây còn có nhiều sáng tạo, cách tân trong những sản phẩm làm ra từ thổ cẩm như váy, túi xách phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của các họa tiết mang bản sắc dân tộc. Các sản phẩm phụ nữ làng Nghe nhỏ dệt chủ yếu là áo, váy, túi xách, dây cột đầu, khăn quàng và chăn. Đặc biệt, sản xuất những sản phẩm hàng loạt với kích cỡ nhỏ để phục vụ khách du lịch đang là hướng phát triển của mô hình. Mỗi sản phẩm tùy theo kích cỡ có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Chị em hội viên thuộc Chi hội Liên hiệp phụ nữ làng Nghe Nhỏ tập trung dệt trước nhà để tranh thủ trao đổi, học hỏi các họa tiết hoa văn mới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Chị em hội viên thuộc Chi hội Liên hiệp phụ nữ làng Nghe Nhỏ tập trung dệt trước nhà để tranh thủ trao đổi, học hỏi các họa tiết hoa văn mới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Ngoài việc tạo thêm thu nhập cho đông đảo phụ nữ trong làng, mô hình Dệt thổ cẩm còn tạo điều kiện cho các em nhỏ đang là học sinh cũng dần được tiếp cận cách se chỉ, phối màu của mẹ, của chị trong gia đình, từ đó, biết gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc mình hơn. Thông qua mô hình, phụ nữ làng Nghe Nhỏ đã lập kế hoạch tiết kiệm 5.000đ/tháng/hội viên để gây quỹ giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm quỹ quyên được khoảng 15 triệu đồng, luân phiên cho phụ nữ trong làng vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hiện, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng trên 20 Câu lạc bộ, tổ Dệt thổ cẩm với hơn 400 thành viên là hội viên Hội liên hiệp phụ nữ các thôn, làng... Mô hình này đang được phát triển, nhân rộng tại nhiều địa phương, qua đó gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Bahnar tại Tây Nguyên.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm