Gieo chữ nơi đảo xa

Gieo chữ nơi đảo xa
Thấy khách đột ngột xuất hiện trước cửa lớp, chưa đợi thầy giáo nhắc nhở, các cháu đã khoanh tay: “Cháu chào chú, cháu chào bác…”. Một thành viên đoàn công tác, tuổi tác chưa đến 40, nhưng có bộ râu quai nón rất ấn tượng; vừa nhìn thấy, các cháu đồng loạt: “Cháu chào ông”, làm mọi người phì cười. Tại phòng học kế bên, một thầy giáo đang hướng dẫn cậu học trò viết lên bảng dãy số 16, 17, 18 rồi đọc to cho các bạn trong lớp nghe. Nhìn trên từng gương mặt các em, chúng tôi cảm nhận được sự thông minh, ham học tập.
 
Thầy Phạm Trung Việt và học sinh Trường tiểu học Trường Sa
Thầy Phạm Trung Việt và học sinh Trường tiểu học Trường Sa
Trường tiểu học Trường Sa được khánh thành vào tháng 4/2013, do chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” (Quỹ học bổng Vừ A Dính - Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh) xây tặng. Trường xây một lầu gồm 3 phòng học, 1 phòng họp và 1 thư viện. Trước đây, tại đảo Trường Sa Lớn chỉ có một phòng học diện tích khoảng 70m2, do cô giáo Bùi Thị Nhung dạy học trò từ mẫu giáo đến lớp bốn. Hết hạn 5 năm công tác, cô Nhung cùng lứa học trò học hết cấp I trở về đất liền tiếp tục học lên cao. Giữa năm 2013, hai thầy giáo Phạm Trung Việt (quê Ninh Hòa, Khánh Hòa) và Đồng Minh Hiệp (quê Diên Khánh, Khánh Hòa) tình nguyện ra đảo công tác thời gian 5 năm cùng với lứa học trò mới.

Tháng 9/2013, Trường tiểu học Trường Sa khai giảng năm học đầu tiên với 1 lớp mẫu giáo có 2 cháu và 1 lớp một có 4 học sinh. Ở lớp mẫu giáo, ngoài 2 cháu đủ tuổi, còn có 2, 3 cháu nhỏ hàng ngày được cha mẹ gửi đến lớp nhờ thầy trông giúp để đi làm. Giờ ra chơi, các cháu ra sân chơi xích đu, bập bênh, vừa chơi vừa hát to từng lời bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” quen thuộc của nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương, biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa…”. Không ai bảo ai, chúng tôi đều vỗ tay hát theo các cháu mà giọng cứ nghèn nghẹn, từng giọt nước mắt lăn trên má vì xúc động. 

Khi được hỏi thăm về việc dạy học cũng như thuận lợi, khó khăn khi ra đảo công tác, thầy giáo trẻ Đồng Minh Hiệp vui vẻ trao đổi. Căn cứ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai thầy giáo soạn giáo án linh động dạy các cháu mẫu giáo, các em học sinh lớp một. Nội dung giảng dạy đều bảo đảm làm sao để các em tiếp thu kiến thức như các bạn trong đất liền. Chính quyền, Mặt trận thị trấn Trường Sa, đảo Trường Sa luôn động viên, tạo điều kiện tốt nhất về vật chất, cũng như tinh thần để hai thầy giáo yên tâm công tác. Hai thầy được bố trí nơi ở, nhận mức lương ưu đãi theo quy định giáo viên công tác nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Điều trăn trở hiện nay của Trường tiểu học Trường Sa đó là, mặc dù đã được sự đầu tư nhưng một số trang, thiết bị phục vụ cho dạy và học, nhất là lớp mẫu giáo như: dụng cụ học tập, giấy vẽ, hồ dán, giấy thủ công…để trang trí lớp; đồ chơi mô hình, lắp ráp để phát triển trí não của các cháu từ 3 – 5 tuổi hầu như còn thiếu. Bước đầu để khắc phục khó khăn, hai thầy giáo cố gắng làm một số mô hình đồ chơi giáo dục lứa tuổi mầm non để các cháu làm quen. “Về đời sống hàng ngày, giống như người dân và chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo, hai thầy giáo cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm mang từ đất liền ra đảo; những vật dụng sinh hoạt, cũng như phục vụ giảng dạy còn thiếu thì gửi tàu mua từ đất liền”.

Trên quần đảo Trường Sa, ngoài thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) ở các xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây cũng có các lớp học trình độ tiểu học. Và mới đây, Trường tiểu học Sinh Tồn nằm trên xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa đã được khởi công xây dựng. 

Sự nghiệp trồng người nơi đầu sóng, ngọn gió rất yên bình. Cho dù điều kiện không như đất liền, Trường tiểu học Trường Sa vẫn thực hiện tốt việc dạy và học, thầy giáo “dạy tốt”, học sinh “học tốt”. Khi chia tay, chúng tôi tin rằng ngôi trường bé nhỏ này sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ ươm mầm và vun đắp, bồi dưỡng những mầm non, trở thành công dân có ích của đất nước mai sau.
Theo baobinhthuan.com.vn

Có thể bạn quan tâm