Giếng Chăm- Nét văn hóa độc đáo trong thiết chế làng xã

Giếng Chăm- Nét văn hóa độc đáo trong thiết chế làng xã
Trong đó có những giếng Chăm là hiện vật ngàn tuổi vẫn còn tồn tại sinh động tại mảnh đất này. Tính riêng trong thôn Pháp Kệ (xã Quảng Phương) hiện tại còn có 4 giếng Chăm cổ trực tiếp phục vụ đời sống sinh hoạt, tưới tắm mùa màng và tác động đến ý niệm tâm linh của cư dân trong vùng.
 
Cấu trúc ba phần của giếng Chăm.
Cấu trúc ba phần của giếng Chăm.

Giếng của người Chăm thường có 3 kiểu cấu trúc: hình tròn, hình vuông hoặc trên tròn dưới vuông. Trước khi đào giếng, người Chăm đã tỉ mẩn lựa từng viên đá tổ ong cứng chắc, mang ra phơi ngoài mưa nắng càng lâu thời gian càng tốt để đủ độ lì rồi mới bắt tay vào đào giếng. Đào đến lúc gặp được mạch nước ngầm vọt lên thì người xưa thường lấy một khung gỗ chắc chắn bằng gỗ lim, kích thước vuông, tròn tùy theo kiểu dáng của giếng để đặt vào tầng dưới cùng, gần đáy giếng nhất. Tri thức dân gian này được các cụ cao niên trong làng giải thích rằng nhằm giữ cho thành giếng không bị lún sụt và kéo dài được tuổi thọ của giếng. Tiếp đến người ta lần lượt xếp từng lớp đá tổ ong theo vòng, từ dưới lên trên. Theo thước tấc của người Chăm thì miệng giếng phải bảo đảm cao hơn mặt đất tầm nửa mét. Nước giếng quanh năm tiết ra từ kẽ hở của đá tổ ong nên lúc nào cũng mát lành và xanh trong. Ngày nắng hạn cũng như mùa mưa lũ mực nước trong giếng vẫn giữ mức ổn định, luôn luôn thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nguồn cơn ngọt mát tự nhiên của người dân.

Có một chi tiết độc đáo trong cấu trúc của những giếng Chăm cổ đó là đa số có ba phần liền nhau trong đó phần lưng bệ thờ là phần trước hết; tiếp đến là phần bệ thờ thuộc phần giữa; giếng nước ở phần sau cuối và trung tâm nhất. Điều này hoàn toàn ứng với hình tượng Linga trong điêu khắc của người Chămpa cũng như nhân sinh quan triết học Ấn Độ. Điêu khắc Chămpa biểu thị hình tượng Linga thường có ba phần, phần dưới cùng là khối vuông, phần giữa là khối bát giác còn phần trên cùng là khối trụ tròn. Đó là ý niệm về sự tôn sùng mọi lúc mọi nơi đối với ba vị thần của Ấn Độ giáo (Brama, Visnu, Siva) và cũng là lời giải thích về thế giới quan bằng ba giai đoạn tất yếu của mọi sự vật, hiện tượng ở trong trời đất bao gồm: sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt. 
 
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm