Giao thông - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Yên Bái

Giao thông - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Yên Bái

Được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh Yên Bái, hạ tầng giao thông đường bộ luôn được ưu tiên đầu tư. Mạng lưới giao thông đã nhanh chóng kết nối với đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư vào địa bàn.

* Xây dựng giao thông nông thôn

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh Yên Bái đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay, hàng nghìn km đường giao thông liên xã, liên thôn đã được kết nối, mang lại một sức sống, diện mạo mới cho nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Giao thông - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Yên Bái ảnh 1 Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Tỉnh lộ 173, đoạn Hợp Minh đi Mỵ đang nhanh chóng hoàn thành. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Sau hơn 10 năm tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn, bằng nhiều cách làm sáng tạo, khai thác mọi nguồn lực, tỉnh Yên Bái đã huy động được tổng kinh phí trên 4.156 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước đầu tư 2.441 tỷ đồng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 806 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Đặc biệt, phong trào tự nguyện hiến đất có giá trị hàng 100 tỷ đồng đã lan tỏa sâu rộng, trở thành ý thức tự giác của mỗi hộ gia đình khi có tuyến đường giao thông chạy qua.

Ông Đinh Khắc Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên chia sẻ, cần nhất là sự đồng thuận cao của người dân. Muốn vậy, chính quyền địa phương luôn xác định, mọi việc làm đều phải phù hợp với mong muốn, nguyện vọng và xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Nhờ đó, giải phóng mặt bằng đến đâu là các hộ dân ven đường đều tự nguyện hiến đất đến đó mà không đòi hỏi bồi thường. Thậm chí, người dân còn đóng góp hàng vạn ngày công xây dựng tuyến đường.

Huyện Lục Yên đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích và trách nhiệm vủa người dân khi tham gia phát triển giao thông nông thôn; đồng thời, rà soát, đánh giá, phân loại cụ thể từng tuyến đường để lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện và huy động nhiều nguồn lực khác cho phù hợp, hiệu quả.

Thực tế triển khai đã cho nhiều kinh nghiệm quý, bài học hay đối với việc huy động các nguồn lực, lồng ghép vốn, linh hoạt trong cách thức tổ chức thi công. Nhất là huy động nguồn lực từ những doanh nghiệp đóng trên địa bàn thông qua việc đóng góp kinh phí, ủng hộ vật liệu xây dựng, hỗ trợ máy móc, thiết bị thi công...

Chẳng hạn, huyện Yên Bình chỉ tính 5 năm trở lại đây đã cứng hóa, làm mới 316 km đường giao thông nông thôn với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng, đạt 300% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; trong đó, tính riêng huy động từ doanh nghiệp trị giá trên 50 tỷ đồng, huy động từ người dân trị giá trên 44 tỷ đồng.

Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Bình cho biết, trước khi triển khai xây dựng từng tuyến đường giao thông nông thôn đều có sự họp bàn, phân công phân nhiệm, tạo sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Đồng thời, gắn một phần trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng tuyến đường sau đầu tư do phương tiện vận tải của doanh nghiệp trực tiếp đi lại làm hư hại, xuống cấp.

Hiệu quả của phong trào xây dựng giao thông nông thôn cho kết quả ấn tượng. Đến nay, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa giao thông nông thôn toàn tỉnh đạt trên 52% với tổng chiều dài toàn hệ thống đường đạt trên 7.900 km; trong đó, đường huyện đạt 1.100 km, đường xã 2.160 km, đường thôn, bản, ngõ xóm, nội đồng đạt 4.640 km. Giờ đây, 100% địa phương trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông thuận tiện, đi lại được cả 4 mùa.

* Đột phá giao thông trọng điểm

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Yên Bái đã huy động được gần 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho trên 350 km đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm, có sức lan tỏa, tác động lớn đến mở rộng không gian đô thị, kết nối các vùng trong tỉnh và kết nối với trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Giao thông - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Yên Bái ảnh 2 Dự án đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12) là một trong những dự án trọng điểm được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019. Ảnh Tiến Khánh - TTXVN

Tiêu biểu như các dự án: đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; đường Âu Lâu đi Đông An; các dự án cầu Bách Lẫm và cầu Tuần Quán vượt sông Hồng, góp phần mở rộng không gian đô thị của thành phố Yên Bái sang hai bên bờ sông Hồng.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án giao thông kết nối liên vùng trong tỉnh với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc được hình thành, phá thế độc đạo về giao thông của nhiều huyện vùng cao. Đó là, dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12) với Tỉnh lộ 172, Tỉnh lộ 173; đường nối Quốc lộ 32C, Quốc lộ 37 và đường Yên Ninh; đường nối Quốc lộ 37, Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối Quốc lộ 32 với đường tỉnh 174, huyện Trạm Tấu; đường Trạm Tấu đi Bắc Yên (tỉnh Sơn La).

Nhận xét về kỳ tích phát triển hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh trong thời gian qua, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cho rằng, mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Yên Bái được ưu tiên đầu tư khá đồng bộ và hoàn chỉnh.

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, liên vùng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo động lực quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, tạo tiền đề để Yên Bái phát triển nhanh hơn.

Trong thời gian tới, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tiếp tục được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội như Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra với phương châm “giao thông luôn đi trước một bước”, trên nguyên tắc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được huy động, đảm bảo chất lượng công trình và đúng tiến độ theo quy định.

Giao thông - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Yên Bái ảnh 3Dự án cầu Tuần Quán là một trong bốn cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Ông Đỗ Việt Bách, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái cho hay, định hướng phát triển giao thông đường bộ thời gian tới tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng mà trọng tâm xây dựng các dự án trọng điểm kết nối quốc lộ, tỉnh lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các dự án trục ngang liên kết vùng của tỉnh Yên Bái với các tỉnh thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm