Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước

Tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tới đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn
Tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tới đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một vấn nạn lớn của xã hội, ảnh hưởng sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiêu số” ở Bình Phước có nhiều chuyển biến tích cực.

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước ảnh 1Tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tới đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng. Đây là một trong những huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông đảo, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra. Trong 8 xã, có 3 xã và 22 thôn đặc biệt khó khăn. Số hộ dân tộc thiểu số chiếm 36,6% dân số toàn huyện, trong đó hộ nghèo là 1.172 hộ.

Theo Trưởng Phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện Bù Gia Mập Điểu Kiêng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là do nhận thức hạn chế, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu. Vẫn còn quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản, tâm lý muốn sớm có con, có người nối dõi, có thêm lao động trong gia đình…

Năm 2023, huyên Bù Gia Mập tổ chức các lớp tập huấn cho 600 người về Luật Hôn nhân và gia đình; nguyên nhân, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân gia đình đến sức khỏe và đời sống của con người… cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã; già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Trưởng thôn, Phó thôn, Ban công tác Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Y tế thôn bản. Ban Tổ chức mời đại diện các hộ gia đình đồng bào thiểu số tiêu biểu, mỗi thôn đồng bào dân tộc thiểu số cử 20 hộ gia đình, những gia đình có tảo hôn và hôn nhân cận huyết tham dự các lớp tập huấn.

Trưởng thôn Thác Dài (xã Phú Văn) Điểu Dũng cho biết, trước đây, kết hôn được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán, do hai bên gia đình hứa hôn. Việc kết hôn chỉ cần sự chấp thuận của cha mẹ hai bên, sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, thôn xóm mà không cần quan tâm đến tuổi tác. Được tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết không tốt, các trường hợp này đã giảm đáng kể.

Ông Điểu Ghé, người có uy tín xã Đắk Ơ cho biết, đời sống đồng bào dân tộc thiểu còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, chưa am hiểu về pháp luật và hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nhờ công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân đã hiểu hơn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ngày càng giảm.

Việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” cùng nhiều chương trình khác tại huyện Bù Gia Mập đã giúp tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết có chiều hướng giảm dần theo từng năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện có 66 trường hợp tảo hôn, 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Năm 2016, địa bàn huyện có 14 cặp tảo hôn, 6 cặp hôn nhân cận huyết thống, đến năm 2020 chỉ còn có 5 cặp tảo hôn và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Tạ Hồng Quảng, các đợt tập huấn nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhận thức đúng về hôn nhân tiến bộ, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; lồng ghép vào các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, các cuộc họp, hội nghị.... Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn, người có uy tín và già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy nhằm phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để phối hợp với gia đình, dòng tộc.

Huyện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống về nội dung, hình thức, các tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; ưu tiên các nhóm đối tượng khó tiếp cận thông tin, những nơi có tỷ lệ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Huyện vận động các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm