Giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đối với trẻ em

Giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đối với trẻ em
Trẻ em phải chịu tác động nhiều nhất

Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu trẻ em tử vong vì ô nhiễm không khí. 9 trên 10 người đang phải hít thở không khí không phù hợp cho con người. Việt Nam là một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Trẻ em luôn là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai do tính dễ tổn thương về thể chất, tâm lý xã hội.

Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Karin Hulshof cho biết, từ năm 2011- 2015, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, chịu đựng tới 45% tổng số thảm họa thiên nhiên toàn cầu. Nhiều dự đoán cho rằng, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên khắc nghiệt trên toàn thế giới sẽ tăng lên gấp đôi, từ 67 triệu trẻ mỗi năm vào đầu thế kỉ 21 lên đến 175 triệu trẻ mỗi năm trong thập kỷ tới. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng gánh chịu tới 43% tổng gánh nặng bệnh tật do yếu tố môi trường gây ra.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dễ bị tổn thương nặng nề vì phổi của trẻ nhỏ hơn, nhịp thở nhanh gấp đôi người lớn, hệ miễn dịch còn chưa phát triển đầy đủ. Điều này đồng nghĩa với việc, các chất ô nhiễm trong không khí có cơ hội thâm nhập vào cơ thể bé cao hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào phổi, sau đó đi vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể, gây kích ứng, viêm, dẫn đến các vấn đề hô hấp (viêm phổi, viêm cuống phổi, hen suyễn…), ung thư, đau tim nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Đại học Cincinnati và Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) cho thấy: Trẻ em tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 trong thời gian ngắn có nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ô nhiễm không khí tác động đến sự phát triển của não bộ. Ô nhiễm không khí hủy hoại mô não, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhận thức ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, dẫn đến những hậu quả lâu dài về sức khỏe, tác động đến kết quả học tập và những cơ hội tương lai. Vị thành niên phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ có khả năng mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Khẩn trương hành động

Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) Henrietta Fore khẳng định, ô nhiễm không khí độc hại đối với sự phát triển não bộ, sức khỏe của trẻ em và cũng độc hại cho toàn xã hội. Không Chính phủ nào có thể làm ngơ trước vấn nạn này.

Ô nhiễm không khí đang gây ra những tác động liên hoàn ngày càng sâu rộng; ví dụ như, khi trẻ ốm, thường xuyên phải nghỉ học; chi phí y tế sẽ tăng lên nếu trẻ cần phải được chăm sóc, điều trị. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể phải nghỉ làm ở nhà để chăm con, từ đó mất nguồn thu nhập khiến cho chất lượng cuộc sống bị giảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người xuyên suốt từ giai đoạn sơ sinh, cho đến độ tuổi thanh thiếu niên, tuổi trưởng thành và tuổi già. Tác động của ô nhiễm không khí đối với trẻ em có thể được nhận thấy rõ rệt sau này ở tuổi trưởng thành.

Bà Henrietta Fore cho hay, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc kêu gọi các Chính phủ trên toàn thế giới khẩn trương có những giải pháp để giảm ô nhiễm không khí, như: Đầu tư vào những nguồn năng lượng sạch hơn, có thể tái tạo được, thay thế cho việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch; cung cấp phương tiện giao thông công cộng sạch hơn với giá thành hợp lý; tăng không gian xanh ở các khu đô thị; thay đổi hoạt động nông nghiệp, đưa ra nhiều lựa chọn xử lý rác thải hiệu quả hơn để hạn chế việc phải đốt những chất hóa học độc hại.

Bảo vệ trẻ bằng nhiều biện pháp

Hiện nay, ở nước ta, lãnh đạo các thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí đã có những giải pháp bước đầu để khắc phục tình trạng này.Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào những giải pháp cơ bản để làm giảm ô nhiễm không khí là điều không khả thi. Do vậy, mỗi bậc phụ huynh nên tự bảo vệ con yêu trước tác hại của ô nhiễm không khí bằng nhiều cách thức khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Nên hạn chế cho trẻ ra đường khi không thật sự cần thiết, nhất là vào những giờ cao điểm xe đông. Nếu trẻ phải ra ngoài nên đeo kính và khẩu trang phòng độc, có tiêu chuẩn lọc bụi mịn (các sản phẩm mang ký hiệu N95, N99 bởi chúng có thể lọc được từ 85 – 99% những hạt bụi nhỏ) được các cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn. Khẩu trang vải, khẩu trang y tế chỉ có thể lọc được các bụi lớn, vi khuẩn, vi sinh vật, không lọc được bụi mịn. Khi đi ngoài đường về, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt, mũi cho bé để loại bỏ bớt bụi bẩn bay vào mắt, đường hô hấp.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần chăm sóc, giữ vệ sinh, đảm bảo cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, đầy đủ vitamin, khoáng chất thiết yếu. Trẻ nhỏ cần bú đủ, trẻ lớn cần uống đủ nước; tiêm chủng đầy đủ các mũi cần thiết; ngủ đủ giấc, không ngủ quá muộn (giấc ngủ sâu từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau góp phần quan trọng trong việc tạo miễn dịch, tăng sức đề kháng). Các biện pháp này giúp bé có được sức khỏe tốt, hạn chế nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường hô hấp hoặc những tình trạng nghiêm trọng khác.

Nếu cảm thấy chất lượng không khí trong nhà kém, cha mẹ có thể sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại ẩn nấp trong không khí; giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, quét/hút bụi thường xuyên. Nếu trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi nhẹ, cha mẹ nhỏ mũi, bôi dầu lòng bàn chân, có thể cho trẻ uống thuốc ho thảo dược; giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh.

Mọi trẻ em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng để có thể phát triển hết tiềm năng. Nuôi dưỡng, chăm sóc toàn diện không chỉ thúc đẩy sự phát triển về thể chất, cảm xúc, kỹ năng xã hội, nhận thức, còn bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tác động tiêu cực của nghịch cảnh - Bác sĩ Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.
Minh Huệ

Có thể bạn quan tâm