Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Đắk Lắk

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Đắk Lắk
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Đắk Lắk. Ảnh : Tống Thị Hoài Thu
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Đắk Lắk. Ảnh : Tống Thị Hoài Thu
Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan. Báo cáo tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh hiện có 509.946 trẻ em, chiếm 26,1% dân số; trong đó 5.726 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Theo ghi nhận của ngành chức năng, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 279 vụ xâm hại trẻ em; trong đó bạo lực 51 vụ, xâm hại tình dục 190 vụ, mua bán 1 vụ và 37 vụ có hành vi xâm hại, tổn hại khác. Hậu quả làm 5 trẻ tử vong, 159 trẻ bị thương tật, 13 trẻ có thai và 160 trẻ bị các tác động về thể chất và tinh thần. Hậu quả của các hành vi xâm phạm trẻ em còn làm hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều xảy ra hành vi xâm hại trẻ em. Đối tượng phạm tội đa dạng, nhưng chủ yếu là người quen biết, hàng xóm, thậm chí là người ruột thịt, người thân trong gia đình. Các đối tượng thường lợi dụng lúc trẻ em ở nhà một mình hoặc ở những nơi vắng vẻ; dụ dỗ trẻ em đi chơi, cho tiền hoặc bánh kẹo để dụ dỗ; có trường hợp làm quen qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ yêu đương hoặc thậm chí còn cho trẻ em dùng chất kích thích,… để thực hiện hành vi xâm hại. Để bảo vệ và chăm sóc trẻ em bị xâm hại, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; duy trì và nhân rộng 16 mô hình xây dựng ngôi nhà phòng chống tai nạn thương tích tại 8 huyện, thị xã, thành phố; triển khai và nhân rộng mô hình Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh an toàn tại một số địa phương để hỗ trợ, tiếp nhận trẻ em bị xâm hại… Từ năm 2015 đến nay, các đoàn kiểm tra chuyên ngành của tỉnh đã tổ chức 24 cuộc kiểm tra tại 14 huyện, thị xã, thành phố và 24 xã về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em và mô hình xây dựng ngôi nhà phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan như số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng nghỉ học đi lao động sớm, trẻ em có cha mẹ ly hôn… trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao; các vụ xâm hại trẻ em chủ yếu do người dân tố giác, các cơ quan chức năng chưa phát hiện được nhiều vụ việc; thực trạng xâm hại trẻ em qua môi trường mạng… Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục quan tâm đến biện pháp hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, có chỉ tiêu cụ thể để giảm thiểu vụ việc và số trẻ em bị xâm hại. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga ghi nhận những nỗ lực, kết quả của tỉnh Đắk Lắk trong công tác bảo vệ trẻ em, công tác phòng, chống xâm hại ở trẻ em. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản của tỉnh còn chậm; chưa có thanh tra, kiểm tra chuyên đề; số lượng trẻ có nguy cơ bị xâm hại ở tỉnh khá lớn. Bà Lê Thị Nga đề nghị, tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường phối hợp liên ngành về phòng, chống xâm hại ở trẻ em; tăng cường giáo dục lối sống bằng những giải pháp tổng thể, trọng tâm và có giải pháp phòng ngừa để trẻ em tự ý thức bảo vệ bản thân. Tỉnh Đắk Lắk cần tổ chức cuộc họp về phòng, chống xâm hại ở trẻ em, xác định thành phần, thực trạng và nhiệm vụ, sau đó ban hành văn bản giao nhiệm vụ cụ thể; cần sớm ban hành kế hoạch thực hiện Luật trẻ em…
Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm