Giảm nghèo ở Đắk Nông

Giảm nghèo ở Đắk Nông
Niềm vui được mùa của đồng bào M’nông tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Niềm vui được mùa của đồng bào M’nông tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, mấy năm gần đây, các chương trình, chính sách giảm nghèo được thực hiện rộng khắp, với các đối tượng thụ hưởng đa dạng, từ đơn vị hành chính cấp huyện cho đến từng khẩu nghèo. Việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo đã tạo nền tảng quan trọng, giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, Đắk Nông hiện có 2 huyện biên giới Tuy Đức và Đắk G’Long được hưởng chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm 2 huyện này được đầu tư chục tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện, khắc phục hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học… Đây là nguồn vốn đầu tư có mục tiêu khắc phục phần nào các yếu kém về cơ sở hạ tầng của 2 huyện trẻ nhất tỉnh Đắk Nông hiện nay.
Trung tâm xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, một trong những xã đi đầu cả tỉnh Đắk Nông về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Trung tâm xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, một trong những xã đi đầu cả tỉnh Đắk Nông về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, trong 3 năm từ 2016 – 2018, Đắk Nông đã được đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cán bộ tại các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn; thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ (gọi tắt là chương trình 135). Từ nguồn vốn này, Đắk Nông đã xây dựng, bổ sung cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm: 61 công trình đường giao thông; 35 công trình trường học; 7 công trình nước sinh hoạt tập trung; 92 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, hơn 3.000 cán bộ cấp xã, cấp thôn, bon, buôn cũng được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cũng như các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Đối với từng hộ gia đình thuộc diện nghèo, diện đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân cư trú tại các khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa, Đắk Nông có nhiều chương trình hỗ trợ kịp thời, rộng khắp để người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Con em các gia đình nghèo được tạo điều kiện đầy đủ để đến trường, đến lớp. Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ về nhà ở, từ năm 2016 – 2018, toàn tỉnh có gần 700 căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo. Chính sách tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo được triển khai với quy mô ngày càng mở rộng, giai đoạn từ 2015 đến nay, trung bình mỗi năm tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đều tăng khoảng 50 tỷ đồng. Tổng dư nợ của chính sách tín dụng cho người nghèo của Ngân hàng này hiện nay là hơn 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Theo đó, tất cả các hộ thuộc diện này sẽ được hỗ trợ 40% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại với mục đích sử dụng vốn phục vụ phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng…) và các dịch vụ nông nghiệp (chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan…). Chương trình được triển khai từ tháng 4/2016, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.800 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ lãi suất vốn vay với tổng số tiền gần 8,5 tỉ đồng.

Đối với từng “khẩu” nghèo, Đắk Nông có chương trình hỗ trợ về y tế, giáo dục khá đầy đủ. Đây là một nỗ lực lớn của tỉnh, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan, trong bối cảnh Đắk Nông hiện vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả nước. Nổi bật là chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế. Hiện mỗi năm, Đắk Nông có gần 250.000 người dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.  Đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số hoặc thuộc diện nghèo, đều đặn hàng năm Đắk Nông đều có chính sách hỗ trợ về học phí, cấp phát sách vở, gạo, học bổng… để các em an tâm đến trường đến lớp, có điều kiện tiếp tục học tập, vươn lên thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu.

Trong 3 năm qua, Đắk Nông đã huy động được trên 248,6 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đều giảm hơn 2%, cao hơn chỉ tiêu mà Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra.

Tại hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo đã tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, tạo động lực mạnh mẽ để vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Nông phát triển. Người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nhiều mô hình sản xuất, kinh tế hiệu quả, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, các chương trình, chính sách giảm nghèo tại Đắk Nông vẫn còn tương đối phân tán, cơ chế lồng ghép, phối hợp còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả đạt được còn thấp. Việc đào tạo nghề, tập huấn nâng cao tay nghề cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được chú trọng đúng mức và đạt được hiệu quả như mong đợi. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nên không cố gắng làm ăn, lao động sản xuất và có nguy cơ trở thành gánh nặng của toàn xã hội.

Theo ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, UBND thị xã đã phân chia hộ nghèo ra từng “nhóm” và xác định rõ các nhu cầu cần hỗ trợ. Tiêu biểu như nhóm cần hỗ trợ vốn vay, nhóm cần hỗ trợ bò giống, nhóm cần hỗ trợ nhà ở, nhóm gắn với các địa chỉ nhân đạo. Việc phân chia tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng hộ dân như đất sản xuất, trình độ - kỹ năng, tuổi tác… Trên cơ sở đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương có các chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Kết quả sau 3 năm thực hiện chương trình, Gia Nghĩa đã giảm gần 350 hộ nghèo, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ không còn hộ nghèo.

Ông Phan Đình Hiến, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông cho rằng, để giảm nghèo hiệu quả, các cấp chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; coi việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, cần thống nhất và kiện toàn việc tổ chức chương trình mục tiêu giảm nghèo từ tỉnh đế cơ sở, tránh chồng chéo, thiếu đồng bộ. Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông cũng đề xuất xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về thực trạng kinh tế - xã hội, văn hóa của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc hoạch định các chính sách liên quan.

Phát biểu tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được tổ chức mới đây, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, công tác giảm nghèo cần được thực hiện tập trung, trọng tâm, trọng điểm hơn. Theo đó, các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương cần tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo phát triển các mô hình kinh tế, sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Người nghèo cần được tạo điều kiện thuận lợi để học nghề, tự tạo công ăn việc làm, phát huy các thế mạnh của từng địa phương, cộng đồng. Chỉ khi làm được như vậy, các chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, cho vay vốn, các chương trình ưu đãi về giáo dục, y tế cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số mới phát huy hiệu quả cao và bền vững./.
Hưng Thịnh
BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm