Giảm nghèo bền vững tại huyện vùng cao Quan Hóa

Giảm nghèo bền vững tại huyện vùng cao Quan Hóa
Ông Phạm Bá Lực, trú tại xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, được Chương trình 167 hỗ trợ xây nhà, sau đó ông vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Ông Phạm Bá Lực, trú tại xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, được Chương trình 167 hỗ trợ xây nhà, sau đó ông vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Quan Hóa là huyện miền núi khó khăn, để giúp người dân phát triển kinh tế và giảm nghèo, UBND huyện Quan Hóa đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các xã và người dân trong công tác giảm nghèo, lấy lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm là hướng đi phù hợp để người dân phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp được huyện Quan Hóa triển khai hiệu quả là việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo như 167, 30a, xây dựng nông thôn mới. Tính từ năm 2013 đến nay, huyện đã xây dựng được 255 công trình với vốn đầu tư gần 430 tỷ đồng, các dự án hỗ trợ bò, lợn cho người dân phát triển sản xuất cũng được triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, huyện đã trồng được hơn 1.000 ha rừng và 226.000 cây phân tán, phục tráng 983,5 ha rừng luồng bị thoái hóa. Thực hiện mô hình bón phân nén dúi sâu cho lúa ruộng ở địa bàn 17 xã, nâng năng suất các vụ lúa từ 46,15 tạ/ha năm 2013 lên 54 tạ/ha vào năm 2019. Nhờ thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 của huyện đạt 631,42 tỷ đồng, cuộc sống người dân trong huyện đã ổn định hơn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao. Tại xã Phú Nghiêm, để giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua xã đã thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Nghị quyết 30a và Chương trình 167 hỗ trợ người dân miền núi có nhà ở. Năm 2018, theo Chương trình 135, xã được hỗ trợ 34 con lợn nái đen trị giá 141 triệu đồng; theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ 23 con bò trị giá 230 triệu đồng, 16 con lợn nái lai đen với số tiền 70 triệu đồng. Ngay sau đó, xã bàn giao con giống cho người dân, nhờ có nguồn hỗ trợ nhiều người dân đã phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu. Ông Phạm Bá Lực, trú tại bản Poọng, xã Phú Nghiêm, cho biết: Năm 2011, gia đình ông được Chương trình 167 hỗ trợ 14 triệu đồng xây nhà, sau đó ông vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Ông nhập giống bò, lợn, gà, cá và các giống cây trồng về sản xuất, thực hiện mô hình trang trại tổng hợp. Khởi đầu gian nan, có những lúc đàn vật nuôi bị dịch bệnh làm ông mất trắng, nhưng ông vẫn kiên trì làm lại từ đầu. Năm 2016, ông quyết định mở rộng sản xuất, nuôi thêm 5 con bò, đào 0.5 ha ao nuôi cá, trồng một số cây ăn quả như cam, bưởi. Bằng sự chăm chỉ, chịu khó, đến nay trang trại của ông đã được mở rộng lên 8 ha với 10 con bò, 250 con gà và vịt, 50 gốc cam, 5 ha rừng, 2 ao nuôi cá. Thu nhập bình quân của gia đình ông đạt hơn 70 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Bá Lực, trú tại xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, được Chương trình 167 hỗ trợ xây nhà, vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Ông Phạm Bá Lực, trú tại xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, được Chương trình 167 hỗ trợ xây nhà, vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Chia sẻ về quá trình thoát nghèo nhờ Nghị quyết 30a, ông Hà Văn Chận, trú tại bản Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm, cho biết trước đây hoàn cảnh khó khăn nên ông phải đi làm thuê khắp nơi, nhưng vẫn không có đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2016, được Chương trình 30a hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng và được cán bộ nông nghiệp xã hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong sản xuất, ông đã thực hiện mô hình gia trại tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi kết hợp trồng luồng. Nhờ sự kiên trì, chịu khó trong sản xuất, gia trại của ông ngày càng mở rộng lên 5 ha. Hiện ông nuôi 3 con bò, 10 con lợn, 100 con gà, trồng 1,5 ha rừng, thu nhập bình quân của gia đình khoảng 60 triệu đồng/năm. Theo ông Hà Minh Hoán, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người của xã đến nay đạt 30 triệu đồng/năm và chỉ còn 29 hộ nghèo. Hiện xã đã làm hồ sơ và đang đợi xét duyệt công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm nay. Số hộ nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa đã giảm từ 2.515 hộ (đầu năm 2018) xuống còn 1.725 hộ hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 1 xã, 7 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Dù đạt được nhiều thành công nhưng công tác giảm nghèo tại huyện Quan Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, như xây dựng kế hoạch giảm nghèo ở cấp xã chưa đạt yêu cầu, việc giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo và các hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cho bản, khu phố chưa cụ thể. Một bộ phận người nghèo, cận nghèo còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, không tự vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Trương Nho Tự cho hay, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể về công tác giảm nghèo và tăng cường chỉ đạo đến từng hộ; đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn lực trên địa bàn để hỗ trợ các hộ đăng ký thoát nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Huyện Quan Hóa phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ giảm từ 1.725 hộ nghèo xuống còn 935 hộ, thu nhập đầu người tăng lên khoảng 30 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng ít nhất 2,5 lần, giúp cho người dân có cuộc sống ổn định hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm