Giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ (Bài 2)

Đồi chè Long Cốc xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là điểm thu hút nhiều du khách đến với Tân Sơn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Nguồn: baophutho.vn
Đồi chè Long Cốc xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là điểm thu hút nhiều du khách đến với Tân Sơn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Nguồn: baophutho.vn

Với điểm xuất phát nền kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, trình độ dân trí không đều, gây không ít khó khăn khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ triển khai kịp thời chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng, trúng mục tiêu, chỉ sau 10 năm Phú Thọ đã cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc về trình độ phát triển. Làm cách nào để vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững, phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về những giải pháp tỉnh Phú Thọ triển khai hiệu quả chương trình.

Bài 2 - Duy trì thành quả, tạo bứt phá mới

Thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu sức lao động, đông người ăn theo, có người ốm đau nặng, thiếu phương tiện sản xuất, không biết cách làm ăn là những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Phú Thọ vẫn ở mức cao so trung bình cả nước. Triển khai đúng nhu cầu, đúng mục đích các chương trình, dự án, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp Phú Thọ xóa nhanh số hộ nghèo, thôn nghèo, huyện nghèo.

Hỗ trợ đúng nhu cầu, đúng mục đích

Huyện Tân Sơn là một trong những huyện nghèo duy nhất của tỉnh Phú Thọ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Khi mới thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm 62%. Chỉ sau 10 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Tân Sơn đã thoát huyện nghèo, về đích trước 2 năm.

Ông Tạ Ngọc Yến, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, huyện huy động trên 95 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Từ nguồn lực huy động, hàng nghìn hộ dân vùng dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc thiết bị nông nghiệp, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới và vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đi xuất khẩu lao động. Cùng với đó, huyện hỗ trợ hơn 200 hộ dân đất ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ (Bài 2) ảnh 1Trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn. Nguồn: dangcongsan.vn

Theo ông Tạ Ngọc Yến, việc triển khai hỗ trợ được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng cho cả giai đoạn, lấy ý kiến nhu cầu đầu tư, hỗ trợ trực tiếp tại các thôn, bản, lựa chọn đúng đối tượng, hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên đặc biệt thường xuyên phối hợp với cán bộ xã kiểm tra việc sử dụng nguồn hỗ trợ. Không chỉ trông chờ nguồn lực hỗ từ bên ngoài, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát nội lực của địa phương, trong đó chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nơi có điều kiện; chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu lao động hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ cho biết, để không ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, tỉnh đã thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, cân đối bố trí đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động từ nguồn đóng góp hợp pháp khác, đồng thời vận động sự tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng triển khai thực hiện chương trình. Công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào thực chất hơn. Khâu rà soát hộ nghèo ở cơ sở đã được cán bộ chuyên môn cấp tỉnh trực tiếp đến khảo sát, xác định. Các cấp chính quyền, đoàn thể bám sát từng hộ để hỗ trợ đúng nhu cầu, thực hiện đúng chính sách hỗ trợ sinh kế, nhà ở, giải quyết việc làm, đào tạo nghề,... không để xảy ra trường hợp tái nghèo.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động trên 2.488 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 893 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 888 tỷ đồng, vốn lồng ghép 693 tỷ đồng và các nguồn huy động khác trên 16 tỷ đồng. Từ nguồn lực huy động, tỉnh tập trung nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn, bản; xây dụng mới các công trình trường học, thủy lợi, nước sạch phục vụ người dân vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân; đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ y bác sỹ tuyến huyện, xã và cán bộ y tế thôn, bản, quan tâm y tế dự phòng.

Đặc biệt, nguồn vốn huy động đã được đầu tư cho phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp hàng ngàn hộ dân được hỗ trợ giống cây trồng, cây ăn quả, cây công nghiệp; giống vật nuôi, vật tư phân bón; máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và hoạt động khuyến nông, nâng cao kiến thức cho nông dân. Nhiều mô hình trồng bưởi, trồng chuối phấn vàng, nuôi ong, nuôi bò sinh sản đã được nhân rộng, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào vùng khó khăn.

Giảm nhanh số hộ nghèo

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ, nguồn vốn được bố trí đúng mục đích, đúng đối tượng đã giúp phát huy hiệu quả, cải thiện điều kiện và nâng cao mức sống của vùng nghèo, người nghèo. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã có 23.000 hộ thoát nghèo, 12.000 hộ thoát cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân 1,6%, vượt kế hoạch đề ra. Riêng huyện nghèo Tân Sơn giảm bình quân 4,23%/năm, vượt chỉ tiêu 4%/năm, năm 2018 được công nhân thoát nghèo trước 2 năm. Tuy nhiên, so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ vẫn còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khoảng cách. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 18.004 hộ nghèo, chiếm 4,34%; 19.020 hộ cận nghèo, chiếm 4,58%.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định, trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh sẽ có những thay đổi, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tác động theo nhóm đối tượng và nguyên nhân nghèo; đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hôi hóa theo phương chậm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, cộng đồng giúp đỡ”. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng các chính sách hỗ trợ có điều kiện tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ (Bài 2) ảnh 2Đồi chè Long Cốc xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là điểm thu hút nhiều du khách đến với Tân Sơn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Nguồn: baophutho.vn

Tỉnh tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số; tạo cơ hội bình đẳng để đồng bào tiếp cận nguồn lực phát triển và thụ hưởng dịch vụ, phúc lợi xã hội. Đồng thời, Phú Thọ tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số; thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Để chính sách phù hợp thực tế, tỉnh Phú Thọ kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp; giảm dần tính bao cấp và hỗ trợ trực tiếp mà tập trung hỗ trợ khuyến khích sản xuất, hỗ trợ ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông, đào tạo nghề và phân loại nguyên nhân nhóm đối tượng để có chính sách hỗ trợ phù hợp; giảm tính bình quân giữa các địa bàn và nhóm đối tượng. Nhà nước có chính sách giảm nghèo đặc thù và phù hợp với địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn về lượng thực, phát triển chăn nuôi, chăm sóc bảo vệ rừng.

Tỉnh kiến nghị Chính phủ bản hành riêng chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, tách hẳn điều kiện phải thuộc hộ nghèo mới được hưởng trợ cấp xã hội nhằm tránh cơ sở, hộ dân đưa đối tượng này vào hộ nghèo để nhận trợ giúp của Nhà nước. Phú Thọ phấn đấu đến năm 2024, thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng gấp 1,8 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4-5%, giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay.

Lâm Đào An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm