Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi
Các nhà chuyên môn, kĩ sư có trình độ cao giải đáp thắc mắc cho bà con nông dân về kĩ thuật chăn nuôi. Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Các nhà chuyên môn, kĩ sư có trình độ cao giải đáp thắc mắc cho bà con nông dân về kĩ thuật chăn nuôi. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chăn nuôi đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược trong sự phát triển nông nghiệp nước ta. Hiện nay, để phát huy vai trò chăn nuôi trong nền kinh tế thị trường nói chung thì việc ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ kỹ thuật thâm canh nâng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và sản lượng ngành chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường hết sức quan trọng và cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Văn phòng thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi thông qua những mô hình mới, cách làm hay đang được nhân rộng.

Đơn cử như ở Bình Dương có Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng do Công ty TNHH TMSX Tiến Hùng làm chủ đầu tư qui mô 78,5 ha gồm nhiều hạng mục công trình và khu chăn nuôi. Hàng năm cung cấp ra thị trường trên 30 triệu quả trứng gà. Hay trại gà công nghệ cao Ba Huân (xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên) bình quân sản xuất 450.000 quả trứng gà/ ngày và 2,5 triệu con gà thịt/ năm.

Ở Đồng Nai có trại gà Lâm Thanh Đức (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) với mô hình chăn nuôi hoàn toàn tự động giúp trại tiết kiệm tối đa chi phí nhân công, điện nước… Hệ thống chăn nuôi của trại có tên Big Dutchman được nhập từ Đức trị giá 8,5 tỉ đồng.

Tiền Giang có mô hình của Công ty TNHH Bình Minh AGRICO tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho thiết kế chuồng trại khoa học, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu vệ sinh làm sạch môi trường chăn nuôi, tiết kiệm chi phí nhân công, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và phòng chống dịch bệnh hiệu quả…

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là hướng đi mới, khắc phục hạn chế của tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình. Qua đó, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giúp tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng chất lượng sản phẩm, phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Hiện nay, công nghệ cao ứng dụng vào chăn nuôi rất đa dạng với những công nghệ tiên tiến áp dụng vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccine thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường…

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều nông dân cũng áp dụng những công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi. Điển hình như bà Phạm Thị Đẹp, cư ngụ tại ấp Tân Phong, xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy với mô hình nuôi vịt chuyên trứng TC, hình thức nuôi nhốt có sử dụng đệm lót sinh học. Bà Đẹp cho biết, vịt TC phát triển tốt, thích nghi điều kiện chăn nuôi địa phương, năng suất trứng cao và tỉ lệ ấp nở đạt 85%. Mô hình này cho thu nhập ổn định, đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi…

Ông Phạm Văn Vũ, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh có trang trại qui mô 50 con bò sữa, đã mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa hầu hết các khâu chăn nuôi bò sữa: máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa, máy băm thái cỏ, máy cắt cỏ cầm tay, máy trộn thức ăn TMR, hệ thống làm mát chuồng trại, xây dựng hầm biogas..đã giúp tăng chất lượng và sản lượng sữa, tăng hiệu quả kinh tế…

Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi nói chung là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa thời kỳ đổi mới và hội nhập. Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đã được các cấp, các ngành, các địa phương hết sức chú ý, xây dựng và nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay.

Theo ông Trọng, trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi tại các địa phương thì tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại là một trong những giải pháp cần được chú trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi.

Trong thời gian tới cần tiếp tục áp dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi; chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang trang trại qui mô lớn; tăng cường phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ chăn nuôi tiên tiến và hàng hóa chất lượng cao cho người chăn nuôi; tiếp tục cải thiện con giống theo hướng nhập khẩu các giống tốt, bảo tồn và lai tạo giống có năng suất và chất lượng cao./.

Nam Thái

Có thể bạn quan tâm