Giải pháp sinh kế cho đồng bào Chăm ở Ninh Phước

Ninh Phước là huyện có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất ở tỉnh Ninh Thuận với 10.997 hộ, 49.729 nhân khẩu. Được chính quyền hỗ trợ các mô hình sinh kế, liên kết sản xuất hiệu quả, đời sống đồng bào Chăm đang ngày một khởi sắc…

Giai phap sinh ke cho dong bao Cham o Ninh Phuoc hinh anh 1Măng tây xanh là loại cây trồng giúp đồng bào Chăm ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước thoát nghèo. Ảnh: An Hiếu

Những ngày đầu hè nắng gắt, chúng tôi đến xã Phước Hải, vùng đất từng hoang hóa và đầy nắng gió. Đón chúng tôi là không khí lao động sôi nổi trên những cánh đồng măng tây, rau màu xanh mát trải dài. Không giấu nổi niềm vui, bà Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Châu Rế cho biết: “HTX đang liên kết với 73 hộ trồng măng tây theo mô hình cánh đồng lớn trên diện tích 20 ha, mỗi ngày thu mua khoảng 300 kg, tạo thu nhập ổn định cho các xã viên. Từ trồng măng tây, nhiều hộ đã có thu nhập cao và vươn lên làm giàu”.

Giai phap sinh ke cho dong bao Cham o Ninh Phuoc hinh anh 2Nghề làm gốm mỹ nghệ tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho đồng bào Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Ảnh: An Hiếu
Giai phap sinh ke cho dong bao Cham o Ninh Phuoc hinh anh 3Một số hộ người Chăm ở Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đầu tư máy dệt nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: An Hiếu

Đến với vùng đồng bào Chăm ở xã Phước Hữu, chúng tôi cũng thấy sự tươi mới trong đời sống của từng hộ dân. Mạnh dạn chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng lúa nước kết hợp với chăn nuôi, nhiều hộ đã có thu nhập khá. Điển hình như hộ ông Châu Văn Tho liên kết sản xuất 8 ha lúa với HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức, có doanh thu 360 triệu đồng/ vụ; hộ ông Bá Đa Lộc với đàn bò 25 con, hơn 2 ha lúa, thu nhập 10 triệu đồng/tháng…

Giai phap sinh ke cho dong bao Cham o Ninh Phuoc hinh anh 4Ông Châu Văn Tho, người Chăm, là nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Ảnh: An Hiếu

Nhờ triển khai, nhân rộng các mô hình sinh kế, liên kết sản xuất hiệu quả như: trồng măng tây, nho, táo; sản xuất lúa, ngô, rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp chăn nuôi bò, dê, cừu; phát triển nghề dệt thổ cẩm, làm gốm truyền thống…, đời sống đồng bào Chăm đã được cải thiện rõ rệt. Năm 2022, thu nhập bình quân của huyện Ninh Phước đạt 64,45 triệu đồng/người (vượt 0,32 triệu đồng so với kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,48%. Đặc biệt, số hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào Chăm giảm 1 - 2% so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện.

Giai phap sinh ke cho dong bao Cham o Ninh Phuoc hinh anh 5Đường vào thôn văn hóa Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước được nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của đồng bào Chăm. Ảnh: An Hiếu
Giai phap sinh ke cho dong bao Cham o Ninh Phuoc hinh anh 6Mô hình chăn nuôi bò đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào Chăm ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Ảnh: An Hiếu

Với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống người dân, Ninh Phước tới đây sẽ tiếp tục tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương. Huyện phấn đấu thu nhập bình quân đạt 71,43 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,48% trong năm 2023.

Thu Hương

Tin liên quan

Ninh Thuận phát triển tôm giống thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Là một trong 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước nhưng Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển, đặc biệt là sản xuất giống thủy sản, nhất là tôm giống. Cùng với những thuận lợi như hạ tầng, giao thông…, Ninh Thuận đã xác định và đề ra mục tiêu rất cụ thể đối với việc thu hút đầu tư, phát triển nghề sản xuất tôm giống, hướng đến trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng đạt 50 tỷ con đến năm 2025 để cung cấp cho các vùng nuôi của cả nước.


Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đã được "gắn sao OCOP" khẳng định được giá trị, chất lượng và tạo sức lan tỏa trên thị trường. Để nâng cao giá trị gia tăng, năm 2023 tỉnh tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, đa dạng hóa các sản phẩm gắn với xây dựng các thương hiệu mạnh.


Sức sống gốm Chăm

Mới đây, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sự kiện này không chỉ giúp thế giới biết thêm về một di sản văn hóa nữa của Việt Nam mà còn là động lực để người Chăm khơi dậy sức sống của gốm...



Đề xuất