Giải pháp ổn định vùng mía nguyên liệu ở Tuyên Quang

Giải pháp ổn định vùng mía nguyên liệu ở Tuyên Quang
Nông dân thu hoạch mía . Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Nông dân thu hoạch mía . Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ông Lê Thanh Nghị, Trưởng thôn Quang Sơn, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ lâu cây mía đã là một trong những cây trồng chủ lực của người dân trong thôn. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, giá thu mua mía nguyên liệu giảm, không ổn định… nên nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ mía để trồng ngô, cây ăn quả. Trước đây, toàn thôn có 50ha mía, nay chỉ còn 20ha.

Ông Nghị cũng chia sẻ thêm, mong muốn lớn nhất của người trồng mía là doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn phải cam kết giá thu mua ổn định với người dân; đưa các giống mía có năng suất cao vào trồng. Ngoài ra, nông dân cần sự hướng dẫn cách chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng mía; tăng cường cơ giới hóa trong trồng, thu hoạch mía để giúp người dân giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất…

Cũng là người nhiều năm gắn bó với cây mía, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, nhìn từ thực tế tại địa phương, thời gian tới, các cấp các ngành trong tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu liên kết với các nhóm hộ, tổ hợp tác và tiến tới hình thành nhiều hợp tác xã trồng mía nguyên liệu mang lại hiệu quả. Bởi, thực hiện liên kết này, khi có vướng mắc người dân có thể tìm đến hợp tác xã… để tìm hiểu. Nhờ đó, khó khăn, vướng mắc nhanh chóng được giải quyết.

Đồng thời, khi thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu các cấp, các ngành cũng phải rà soát kỹ diện tích đất, tránh tình trạng quy hoạch trên giấy, khi triển khai địa phương đã không còn đủ diện tích đất để trồng mía, dẫn đến việc trồng mía không đạt kế hoạch đề ra…

Mặc dù, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng, chăm sóc mía để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu… Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn chậm; giá thu mua mía thấp; 80% diện tích trồng mía nguyên liệu là đồi đất dốc gây khó khăn cho việc cơ giới hóa các khâu: thu hoạch, vận chuyển; việc chuyển cơ cấu giống mới để thay thế những giống mía bị thoái hóa, có năng suất, chất lượng còn chậm; cơ cấu giống mía còn chưa phù hợp, nhóm giống mía chín sớm, chín chính vụ chiếm tới 87,3%, nhóm giống mía chín muộn chỉ có 12,7% diện tích toàn vùng…

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, để ổn định vùng mía nguyên liệu, hiện tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách tăng mức vay vốn cho người trồng mía. Theo đó, người dân sẽ được vay 40 triệu đồng/ha để trồng mới hoặc trồng lại mía, với mức hỗ trợ lãi suất 100% cho tất cả các đối tượng vay.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục: tổ chức rà soát lại diện tích trồng mía, điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh cho phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay; phát huy lợi thế vùng chuyên canh mía cao, trọng tâm thực hiện dồn điền, tích tụ ruộng đất để xây dựng “cánh đồng mía lớn”, giảm dần diện tích mía manh mún đồi cao, tăng diện tích mía trên đất thấp, trong đó có đất ruộng không chủ động nước; đầu tư hữu hiệu, thâm canh toàn diện để tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.

Đồng thời, tỉnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tập trung chăm sóc, bón phân cho mía đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại mía, tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng mía, nâng cao thu nhập cho người trồng mía; hạn chế tối đa diện tích mía phế canh; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt phương tiện vận chuyển; máy móc, thiết bị, nhân lực,... để tổ chức thu hoạch ngay khi mía đạt tiêu chuẩn thu hoạch, đảm bảo thu hoạch mía nguyên liệu trong khung thời vụ tốt nhất.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sản xuất, kinh doanh mía đường) tiếp tục hoàn thiện, đầu tư tổ hợp sản xuất chế biến đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu, giảm tổn thất sau thu hoạch; trong đó, trọng tâm là khép kín quy trình sản xuất, đầu tư tiết kiệm góp phần giảm chi phí, tổn thất, nâng cao hiệu quả sản xuất mía nguyên liệu, tăng thu nhập của người trồng mía và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sản xuất mía nguyên liệu (giống, làm đất, phân bón, bảo vệ thực vật... và vận chuyển); chuẩn bị nguồn lực về tài chính để thu mua mía nguyên liệu niên vụ ép 2019 - 2020 đảm bảo tiến độ giải ngân cho các hộ trồng mía theo đúng hợp đồng…

Niên vụ mía 2019 – 2020, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu năng suất mía bình quân đạt trên 70 tấn/ha; sản lượng mía nguyên liệu đạt trên 319.656 tấn.
Vũ Quang Đán

Có thể bạn quan tâm