Giải pháp hiệu quả giảm thiệt hại do hạn hán

Giải pháp hiệu quả giảm thiệt hại do hạn hán
Trước tình hình thời tiết khô hạn kéo dài, nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nhiều hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, nhiều diện tích cây trồng đã mất trắng hoặc giảm năng suất do hạn. Trong bối cảnh đó, việc điều tiết nguồn nước hợp lý là giải pháp hiệu quả để giảm bớt thiệt hại do hạn hán gây ra.
Người dân đưa máy bơm xuống đáy hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông để bơm những vũng nước cuối cùng của hồ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Người dân đưa máy bơm xuống đáy hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông để bơm những vũng nước cuối cùng của hồ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Sông cạn, hồ khô Hồ thôn 16, xã Cư Prông, huyện Ea Kar cung cấp nước tưới cho 46 ha lúa nước và cà phê cũng đã cạn trơ đáy cách đây 1 tháng. Để cứu cây trồng vụ Đông Xuân này, gia đình ông Lăng Ngọc Lan ở thôn 16 cả tháng nay phải túc trực 2 đến 3 ngày bơm nước một lần từ giếng về ruộng để cứu hơn 2 sào lúa mới qua kỳ ngậm sữa. Không chỉ lúa mà còn các loại cây trồng khác của gia đình ông cũng đang chết khô vì thiếu nước. Ông Lăng Ngọc Lan chia sẻ, ít hôm nữa trời không mưa, giếng nước cũng cạn, đám lúa này sẽ mất trắng. “Giá cả nông sản xuống thấp, năm nay lại hạn nặng, đời sống khó lại thêm khó”, ông Lan thở dài. Không chỉ xã Cư Prông mà nhiều hộ nông dân thuộc các xã Cư Bông, Cư Yang, Ea Ô, Ea Sô, Ea Sar, Cư Huê, Xuân Phú, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê 716, Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Lợi xã Ea Ô cũng đang điêu đứng do hạn hán. Cả tháng nay, Sông Krông H’Năng và Sông Krông Pách - nguồn cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn ha của huyện Ea Kar nước đã cạn kiệt. Những ngày này những hộ dân sống ven sông này đang bơm nướt vớt vét những giọt nước còn đọng lại để cứu cây trồng. Hạn hán cũng đã làm cho hàng trăm hộ dân ở huyện Ea Kar thiếu nước sinh hoạt. Gia đình anh Hồ Văn Chương ở thôn 10, xã Ea Sar có trang trại lợn nuôi 500 con, cả tháng nay không có nước nên mỗi ngày 3 chuyến anh Chương phải chở nước bằng ô tô cách nhà 5km để xin về tắm cho lợn và sinh hoạt gia đình. Theo anh Chương, mọi năm vào mùa khô nguồn nước khoan vẫn đủ cho sinh hoạt. Năm nay nắng nóng kéo dài, nước hết sớm nên nhiều hộ trong thôn phải đi mua nước, xin nước về sinh hoạt. “Chỉ mong trời sớm mưa để bà con đỡ khổ”, anh Chương nói. Vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020 huyện Ea Kar có trên 27.700 ha cây trồng có nhu cầu tưới nước. Trong đó cây lúa, hoa màu trên 8.460 ha, còn lại là cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện đang có trên 5.456 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Diện tích mất trắng (chủ yếu là lúa nước) gần 80 ha. Ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước tình hình hạn hán kéo dài, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar đang chỉ đạo các xã tập trung nạo vét, bơm tát, tận dụng nguồn nước sông, khe suối, ao, giếng. Đồng thời, phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk điều tiết nguồn nước từ hồ chứa nước Ea Rớt và kênh chính đông hồ tích nước Krông Búk để cứu những diện tích cây trồng còn có thể thu hoạch được. Tuy nhiên, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì thiệt hại của người nông dân là rất lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, thống kê sơ bộ đến ngày 10/4, trên địa bàn toàn tỉnh có 8.949 ha cây trồng bị hạn; trong đó, cây lúa nước khoảng 3.761 ha (huyện Ea Kar 1.832 ha), cây hoa màu 2.011 ha, cây lâu năm 3.176 ha. Trên địa bàn có 1.260 hộ dân ở các huyện: Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo, Cư Mgar...bị thiếu nước sinh hoạt. Dự kiến đến cuối vụ, tỉnh có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới; trong đó, diện tích bị mất trắng  khoảng 2.000 ha; có khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Đến nay, mực nước các hồ chứa giảm nhanh do phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng. Hồ chứa nhỏ phổ biến lượng nước trữ còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế; trong đó, có 64 hồ cạn khô. Các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 40 - 60% dung tích thiết kế, một số hồ lớn còn dưới 40% như: Hồ Ea Súp Thượng, (huyện Ea Súp) dung tích còn 26%; Hồ Buôn Triết (huyện Lắk); hồ Buôn Hằng (huyện Krông Pắk) còn khoảng 23% dung tích. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt. Cục bộ một số vùng do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước.Điều tiết nguồn nước chống hạn Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, hiện công tác chống hạn trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Vấn đề chủ động rà soát nguồn nước để cân đối xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp chỉ thực hiện được với cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và màu. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng cây cà phê và hồ tiêu khá lớn, phần diện tích này không thể điều chỉnh theo thời vụ. Do đó, khi thời tiết bất lợi xảy ra thiếu nước tưới đã gây thiệt hại lớn về kinh tế trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số khu vực chưa có công trình thuỷ lợi hoặc công trình bị hư hỏng xuống cấp không đảm bảo năng lực thiết kế trong khi nhu cầu phát triển sản xuất tăng cao gây ra tình trạng thiếu nguồn nước. Lượng dòng chảy sông suối trên địa bàn tỉnh trong các tháng đầu năm 2020 bị thiếu hụt lớn gây ra tình trạng mực nước hồ chứa, sông suối, nước ngầm giảm sâu. Đặc biệt, đến cuối tháng 3/2020, các sông, suối lớn (Krông Pách, Krông Nô, Krông H’Năng) dòng chảy cạn kiệt khiến việc điều tiết, khai thác nguồn nước phục vụ chống hạn gặp khó khăn, chi phí chống hạn tăng cao. Ngoài ra, nhận thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến còn han chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; một số khu vực công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng nước lãng phí. Trước diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương, đơn vị tập trung các biện pháp cấp bách theo phương châm “4 tại chỗ” để chống hạn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân; trong đó, giải pháp khoanh vùng hạn, tìm kiếm và điều tiết nguồn nước là giải phát cấp bách hàng đầu. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk đảm nhiệm tưới cho diện tích cây trồng khoảng  49.730 ha. Hiện nay, công ty đang nỗ lực chống hạn cho diện tích gần 1.700 ha cây trồng. Ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, biện pháp chủ yếu hiện nay là thực hiện tưới tiết kiệm, nạo vét cửa vào của cống lấy nước, các bể hút của trạm bơm, đắp bao tải đất tại ngưỡng tràn, đắp các đập bổi trên sông, suối để dâng cao cột nước; đồng thời, điều tiết nước từ các công trình lân cận, bơm tát từ sông, suối về khu tưới, điều tiết nước hợp lý không để thất thoát gây lãng phí nguồn nước. “Với thời tiết tiếp tục nắng nóng và hanh khô như hiện nay thì mực nước tại các hồ chứa và trên các sông, suối sẽ xuống rất nhanh, trong khi đó vẫn còn một số diện tích lúa mới đang trong giai đoạn trổ bông, thời gian tưới còn khoảng gần 1 tháng nữa mới xong. Trước tình hình như vậy, dự kiến trong thời gian tới sẽ có khoảng 17 công trình phải chống hạn với tổng diện tích chống hạn là khoảng 1.000 ha cây trồng”, ông Hoan cho hay. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, giải pháp chống hạn trước mắt hiện nay là triển khai nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo dẫn nước hiệu quả; đắp đập tạm trên suối, trên các trục kênh tiêu để giữ nước; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để khai thác nước sông, suối và dung tích chết của hồ chứa. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, điều tiết; khuyến cáo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ gieo trồng, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn... Về giải pháp căn cơ thì phải tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, nhất là những công trình lớn một cách đồng bộ để mở rộng diện tích tưới; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch mùa vụ; nghiên cứu, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn. Cùng với đó là phải thực hiện trồng rừng đề giữ nước, nâng cao mực nước ngầm.
Anh Dũng
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm