Giải pháp cho từng nhóm xã, địa phương xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên

Diện mạo nông thôn mới ở xã Dân Tiến (huyện Võ Nhai). Ảnh : tuyengiaothainguyen.org.vn
Diện mạo nông thôn mới ở xã Dân Tiến (huyện Võ Nhai). Ảnh : tuyengiaothainguyen.org.vn

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trở lên, tiếp tục nâng cao số tiêu chí và chất lượng các tiêu chí ở các xã còn lại; phấn đấu có từ 20 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) xếp hạng từ 3 sao trở lên.

Giải pháp cho từng nhóm xã, địa phương xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên ảnh 1Diện mạo nông thôn mới ở xã Dân Tiến (huyện Võ Nhai). Ảnh: tuyengiaothainguyen.org.vn

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh đã xây dựng giải pháp cho từng nhóm xã, địa phương để thực hiện. Theo đó, đối với các huyện, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sẽ tăng cường chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các xã xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Các huyện, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình nông thôn mới”, “xóm nông thôn mới kiểu mẫu”, “vườn mẫu”; trong đó, lấy mô hình xây dựng “xóm nông thôn mới kiểu mẫu” làm hạt nhân.

Với các huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại, công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung…, gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng và đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện.

Đồng thời, các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, phát huy lợi thế của địa phương theo hướng xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng sản xuất tập trung, cơ giới hóa gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu, phát triển các sản phẩm, đặc sản địa phương, ngành nghề nông thôn theo Chương trình OCOP của tỉnh, Trung ương.

Ngoài ra, các giải pháp bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo vệ môi trường xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn cũng được tỉnh trú trọng. Thúc đẩy quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, làng nghề, chất thải rắn và nước thải sinh hoạt; hình thành các mô hình sản xuất sinh thái, an toàn với môi trường, phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn.

Tại cấp xã, đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021, ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình và cân đối, bố trí nguồn lực hỗ trợ thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn cần đạt chuẩn như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ, nhà ở dân cư...; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực.

Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; trong đó, tập trung thực hiện các nội dung tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, mục tiêu hướng tới xây dựng mô hình nông thôn mới phát triển bền vững.

Đặc biệt, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đẩy mạnh việc nhân rộng, xây dựng hộ gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, lấy xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu làm hạt nhân để trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững hơn.

Với các xã còn lại, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá thực chất mức độ đạt các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét và bền vững trên từng lĩnh vực, làm tiền đề phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra.

Các xã này cũng đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác tối đa, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện cơ chế nhà nước hỗ trợ vật tư như xi măng, cát, sỏi và một phần kinh phí để người dân tự xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 75,5%, không còn xã dưới 10 tiêu chí; tỉnh đã công nhận 51 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, 7 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đang trình Trung ương xem xét đánh giá xếp hạng.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm