Giải Nobel Hòa bình 2020 tôn vinh Chương trình Lương thực thế giới

rẻ em nhặt ngũ cốc rơi từ các bao lương thực viện trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Ayod, Nam Sudan, ngày 6/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
rẻ em nhặt ngũ cốc rơi từ các bao lương thực viện trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Ayod, Nam Sudan, ngày 6/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiều 9/10 (giờ Việt Nam), Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2020 cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ), qua đó vinh danh những nỗ lực chống nạn đói, cũng như những đóng góp trong việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới.

Giải Nobel Hòa bình 2020 tôn vinh Chương trình Lương thực thế giới ảnh 1Trẻ em nhặt ngũ cốc rơi từ các bao lương thực viện trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Ayod, Nam Sudan, ngày 6/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá WFP xứng đáng được vinh danh giải Nobel Hòa bình 2020 vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới. Các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, mà còn đóng góp cho sự ổn định và an ninh toàn cầu.

Tuyên bố của Ủy ban nêu rõ: "Nhu cầu đoàn kết và hợp tác đa phương hiện nay nổi bật hơn bao giờ hết. Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2020 cho WFP vì những nỗ lực chống lại nạn đói, vì những cống hiến của tổ chức này trong việc cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột, cũng như đóng vai trò như một động lực trong nỗ lực ngăn chặn việc lợi dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột".

WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Năm 2015, mục tiêu xóa đói đã được thông qua như một trong những Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ. Trong những năm gần đây, tình hình diễn biến xấu đi, theo đó chỉ riêng năm 2019 có 135 triệu người bị đói ở mức khẩn thiết, cao nhất trong nhiều năm, chủ yếu do chiến tranh và xung đột vũ trang. Cũng trong năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của nạn đói và mất an ninh lương thực tại 88 quốc gia.

Trong bối cảnh năm 2020 thế giới bị chi phối bởi xung đột, sự bất ổn và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người, giải thưởng Nobel Hòa bình mang nhiều ý nghĩa hơn. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Tại các quốc gia như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, xung đột bạo lực kết hợp với đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đứng bên bờ vực của nạn đói. Đối mặt với đại dịch, WFP đã chứng tỏ năng lực ấn tượng trong việc tăng cường và phát huy vai trò của mình, như tổ chức này từng chia sẻ: "Cho tới ngày chúng ta có được vaccine y tế, lương thực chính là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".

WFP cũng đã đi đầu trong việc phối hợp công tác viện trợ nhân đạo với nỗ lực thúc đẩy hòa bình thông qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. WFP cũng là bên tham gia tích cực vào tiến trình ngoại giao mà đỉnh điểm là vào tháng 5/2018, khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết 2417, lần đầu tiên làm rõ mối quan hệ giữa xung đột và nạn đói.

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, mối liên hệ giữa nạn đói và xung đột vũ trang là một vòng luẩn quẩn: chiến tranh và xung đột có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói, cũng như nạn đói và mất an ninh lương thực có thể khiến xung đột "âm ỉ cháy" và chực chờ bùng phát, từ đó kích hoạt bạo lực. Ủy ban nhấn mạnh thế giới sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu xóa đói chừng nào chiến tranh và xung đột vũ trang chưa chấm dứt. Do đó, với việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho WFP, Ủy ban muốn nhấn mạnh rằng việc cung cấp hỗ trợ để tăng cường an ninh lương thực không chỉ ngăn chặn nạn đói, mà còn có thể giúp cải thiện triển vọng ổn định và hòa bình. WFP đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương nhằm biến an ninh lương thực trở thành công cụ hòa bình, và đã đóng góp mạnh mẽ trong việc vận động các quốc gia thành viên của LHQ chống lại hành vi lợi dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột.

Giải Nobel Hòa bình 2020 có 318 ứng cử viên, gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức. Từ năm 1901 tới năm 2019 đã có 100 giải Nobel Hòa bình được công bố. Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế từng 3 lần nhận giải thưởng này; Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng đã 2 lần được vinh danh. Ngoài ra, người sáng lập Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế - ông Henry Dunant - chính là người đầu tiên nhận giải thưởng này vào năm 1901. Đến nay, người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình là cô Malala Yousafzai (năm 2014 - khi mới 17 tuổi). Người cao tuổi nhất từng nhận giải Nobel Hòa bình là ông Joseph Rotblat (năm 1995 - khi ông 87 tuổi).
Nobel Hòa bình là hạng mục giải thưởng thứ 5, đồng thời là hạng mục cuối cùng mà nhà khoa học Alfred Nobel đề cập trong di chúc của mình. Khác với các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học và Văn học được trao tại Thụy Điển, giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel Na Uy công bố và trao tặng.

Phương Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm