Giải đáp băn khoăn về thông tin tuyển sinh của học sinh khu vực phía Nam

Giải đáp băn khoăn về thông tin tuyển sinh của học sinh khu vực phía Nam

* Làm rõ những điểm mới

Chia sẻ tại ngày hội, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Ngày hội tư vấn tuyển sinh giúp học sinh có đầy đủ thông tin về kỳ thi, về những ngành nghề đào tạo của các trường trong năm nay để các em có được sự lựa chọn phù hợp nhất.

Học sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Học sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Rất nhiều băn khoăn của phụ huynh và học sinh về những điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay được đưa ra. Giải đáp câu hỏi về cách xét tuyển theo nhóm trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Xét tuyển theo nhóm trường là một trong những điểm mới của quy chế tuyển sinh năm nay. Do năm nay trong đợt I mỗi thí sinh được đăng ký nguyện vọng đồng thời ở 2 trường, vì vậy để tránh tình trạng thí sinh ảo thì các trường có thể liên kết lập thành một nhóm trường với những phương án tuyển sinh riêng của nhóm trường đó. Việc lập nhóm trường này do các trường quyết định trên cơ sở tự nguyện liên kết với nhau chứ Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định. Việc lập nhóm trường theo nguyên tắc chung đó là thí sinh phải đăng ký thứ tự ưu tiên các ngành, trường mà mình mong muốn lựa chọn, sau khi không đậu ngành này sẽ tự động chuyển sang ngành khác. Do vậy khi đăng ký vào một trường nào đó, thí sinh cần tìm hiểu trường đó tuyển sinh theo cơ chế riêng hay theo nhóm trường để có phương án nộp hồ sơ cho phù hợp.

Trả lời thắc mắc của học sinh và phụ huynh về quy định cộng điểm ưu tiên năm nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu rõ: Về cơ bản, các chính sách cộng điểm ưu tiên năm nay không có điều chỉnh nhiều so với năm trước. Theo đó, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học phổ thông có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.

Riêng đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú có sự điều chỉnh. Quy định về các đối tượng là quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi; học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh các trường, lớp dự bị đại học; học sinh các lớp tạo nguồn được mở vẫn được giữ nguyên năm trước. Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh quy định rõ hơn gồm đối tượng là học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học trung học phổ thông) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nếu học trung học phổ thông tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.

Cùng với đó, nhiều câu hỏi của các thí sinh cũng như phụ huynh đã được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục giải đáp, tư vấn các nội dung liên quan đến chính sách, chủ trương, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh, tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành nghề, gỡ rối hướng nghiệp, sức khỏe mùa thi.

* Băn khoăn về cơ hội việc làm

Một trong những vấn đề được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm nhất đó là cơ hội việc làm sau khi ra trường của các ngành đào tạo. Về nội dung này, các chuyên gia chia sẻ các em hãy lựa chọn ngành học theo năng lực và đam mê của bản thân, bởi có đam mê thì các em mới có thể gắn bó và hứng thú nghiên cứu, tìm tòi và đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình học tập tại nhà trường. Mặt khác, bên cạnh việc phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường thì cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi sinh viên. Do vậy, bên cạnh trau dồi kiến thức chuyên môn, trong quá trình học tập sinh viên cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nắm bắt cơ hội việc làm tốt hơn.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.
Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường.
Ảnh: Phương Vy-TTXVN.

Công nghệ - kỹ thuật, kinh tế - tài chính, nhóm ngành sư phạm, kỹ thuật nông lâm nghiệp… là những nhóm ngành nghề được nhiều chuyên gia nhận định sẽ phát triển trong tương lai. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng triển vọng ngành ô tô trong tương lai là rất tốt, do vậy ngành công nghệ ô tô sẽ là một những ngành có cơ hội việc làm khá lớn trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được Quốc hội các nước thông qua, dự báo sẽ tạo làn sóng rất lớn các nước đổ vào Việt Nam xây dựng các nhà máy chế tạo, lắp ráp phụ tùng máy móc, nhất là ô tô. Đồng thời, cũng từ chính sách miễn giảm thuế trong các hiệp định thương mại được ký kết nên dự báo trong vòng 4-5 năm tới tại Việt Nam sẽ có sự bùng nổ về ngành ô tô.

Lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng được khá nhiều học sinh quan tâm và đặt câu hỏi về cơ hội nghề nghiệp cũng như ngành đào tạo của các trường, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường có rất nhiều ngành để các em lựa chọn như quản lý tài nguyên môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường, khoa học môi trường… Với các ngành này, cơ hội hội việc làm sau khi ra trường rất phong phú, đa dạng, có thể làm việc ở các cơ quan quản lý đất đai, phòng tài nguyên môi trường…/.

Có thể bạn quan tâm